Hiện trên toàn tỉnh có trên 60% hộ dân mất điện do ngập lụt
Theo đó, khi nước rút và chưa có điện, phải kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình thật kỹ lưỡng trước khi sử dụng để tránh xảy ra chập, cháy, gây nguy hiểm cho con người và thiết bị do môi trường ẩm ướt dài ngày. Ngắt tất cả cầu dao, áp tô mát tổng trong gia đình.
Rút dây cắm diện, nguồn cấp điện cho thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Kiểm tra đường dây sau công tơ điện là tài sản và trách nhiệm của hộ gia đình đảm bảo an toàn để thực hiện đóng điện.
Thông báo ngay cho Điện lực qua số tổng đài 19001909: Những vị trí đường dây điện bị đứt, rơi vãi hoặc chạm chập vào công trình xây dựng.
Khi Điện lực khôi phục điện, không vội vàng cắm/bật điện lại ngay khi vừa có điện. Tuần tự cắm/bật thiết bị điện có giá trị thấp, để một thời gian kiểm tra ổn định của hệ thống điện lưới cũng như trong gia đình. Khi điện năng thật sự ổn định thì tiếp tục cắm/bật các thiết bị điện khác cũng theo thứ tự ưu tiên thiết bị có giá trị thấp trước.
Tuyệt đối không cắm/bật cùng lúc tất cả thiết bị điện, hoặc các thiết bị có công suất lớn như máy nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ, bàn là, máy giặt... Quan sát và lắng nghe chung quanh để phát hiện các tín hiệu chạm chập điện và báo ngay cho Điện lực để được hỗ trợ kịp thời.
Theo điện lực tỉnh, trước tình hình mưa lũ, ngành Điện lực đã xuất tuyến 60% nguồn trên địa bàn, những vùng cao có điện (trừ huyện A Lưới bị mất điện hoàn toàn do sập cột lưới điện từ Quảng Trị vào A Lưới, hiện đang nỗ lực cấp điện trở lại); các huyện ngập nặng là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy và một số khu vực TP. Huế bị mất điện hoàn toàn.
Tin, ảnh: Thái Sơn