Công tác ứng cứu các nạn nhân mất liên lạc vẫn còn được tiếp diễn

Nghĩa tình Phong Xuân

Từ ngày xảy ra vụ việc, biết bao nhân lực vật lực được huy động đến vùng đất này, nơi không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp khác không ít lần đặt chân đến. Phong Xuân còn lắm khó khăn, với nhiều người ở vùng đất gò đồi này, đây là lần đầu tiên họ tận thấy những đoàn xe chuyên dụng “khổng lồ” rồ ga trên đường quê, và có lẽ họ không muốn nhìn thấy cảnh tượng này thêm một lần nào nữa.

Thoạt đầu, nhiều người dân khá lạ với cảnh tượng hàng trăm người đổ xô về vùng gò đồi trong mùa lũ. Và rồi, sự việc đau lòng khiến họ cùng chung ước nguyện: Cầu bình an cho những người cứu hộ và những người đang bặt tin.

Trong muôn vàn ánh mắt hướng về con đường dẫn về phía núi ấy có cả xóm giềng, gia đình lẫn những người không hề quen biết với các nạn nhân xấu số, gặp nạn cách đó chừng hơn 30km.

Bà Hường (xã Phong Xuân) chẳng hề quen biết chúng tôi, nhưng khi thấy những con người đang đầm mình giữa màn mưa tìm nơi dừng chân, bà vội gọi vào nhà, kê cái bàn tròn sáng bóng. “Ngồi đó, nghỉ ngơi hay làm việc chi cũng được, bao lâu cũng được... Nếu muốn ở lại cũng được luôn”, bà cười hiền.

Có những ánh mắt vô hồn khiến tôi dẫu muốn hỏi điều gì đó về người thân của những nạn nhân cũng chẳng dám mở lời. Người thân, bạn bè đến giờ vẫn không thể liên lạc thì ai chẳng như ngồi trên đống lửa. Nhưng những cái vỗ vai, lời động viên của những người chẳng hề quen biết khiến họ nguôi ngoai rồi hi vọng. “Bây giờ cầu trời khấn phật để chồng tôi bình an”, chị Ái nói gọn và tỏ ra cứng rắn để đứa con gái theo chân chị đợi cha về thêm vững tin.

Đêm Phong Xuân se lạnh, Vững – một cán bộ xã đoàn gọi tôi vào phòng, đưa vội vàng hộp cơm rồi tất tả bước đi. Kể từ khi gặp nhau vào trưa 13/10, Vững tâm trạng khác hẳn bình thường. Anh ít nói, chỉ lầm lũi bước đi và làm việc. Túc trực 24/24 tại UBND xã cũng là trụ sở của Sở Chỉ huy tiền phương, Vững phụ trách khâu hậu cần, bố trí nơi ăn chỗ nghỉ cho anh em cán bộ chiến sĩ. “Có việc gì anh cứ gọi, bây giờ em phải đi lo cơm nước cho các anh bộ đội. Từ khi xảy ra vụ việc ở Thủy điện Rào Trăng, các cán bộ chiến sĩ rất vất vả, mình giúp chừng nào cho các anh hay chừng đó”, Vững chia sẻ.

Ở Phong Xuân, không ai trong số những con người đang túc trực tại Sở Chỉ huy tiền phương có thể an giấc. Chủ tịch UBND xã Phong Xuân - Nguyễn Bá Lành sau khi nhường giường cho tôi ngả lưng, anh cứ quanh quẩn bên hành lang, dẫu bình minh ngày mới đã ló dạng…

Hỏi thăm, động viên những người đang chờ tin người thân mất liên lạc

Một lòng, một mục tiêu

Những ngày này, Sở Chỉ huy tiền phương an ninh được siết chặt.  Anh dân quân tự vệ không còn vui vẻ như ngày thường mà nghiêm nghị, dứt khoát với những người không  phận sự… có lẽ điều đó khiến một số người cảm thấy khó chịu bởi sự hạn hẹp về thông tin nhưng quan trọng hơn vẫn là phương án cứu hộ kịp thời những nạn nhân đang còn mất liên lạc.

Dường như không có khái niệm ngày và đêm tại điểm trung tâm đầu não hoạch định sách lược ứng cứu. Những cuộc họp kéo dài giữa màn đêm của các lực lượng chức năng đủ để thấy sự căng thẳng luôn thường trực trong tâm trí mỗi một thành viên.

Phía núi, có cả đồng đội, đồng nghiệp của họ đang bặt vô âm tín, nhanh chóng cứu hộ mới phần nào xóa tan được những cảm xúc dồn nén những ngày qua.

Bây giờ, không chỉ người dân Phong Xuân mà cả nước đang hồi hộp dõi theo Rào Trăng; bộ đội vẫn hành quân, những chiếc xe chuyên dụng nối đuôi nhau về phía núi, trực thăng bay lượn trên bầu trời tiếp tế lương thực và còn nhiều nỗi lòng trông ngóng từng phút, từng giờ…

Bài, ảnh: Lê Thọ