Xử các "điểm đen" 

 
Hàng trăm chiến sỹ, đoàn thanh niên, lực lượng địa phương, công nhân môi trường, cây xanh dọn vệ sinh tại cồn Hến trong ngày 1/11
 
Chưa tới 7 giờ sáng, tại khu vực cồn Hến, phường Vỹ Dạ, TP. Huế, đã có rất đông các lực lượng tập trung làm vệ sinh môi trường. Nhiều màu áo xanh đặc trưng của công nhân môi trường, cây xanh, bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên... hòa lẫn trong không khí sôi động thu gom rác, cành cây, bùn đất.
 
Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ - Nguyễn Hoài Phương cho biết, trong các đợt bão lũ vừa qua, gần như 100% nhà dân, đường giao thông ở cồn Hến chìm trong biển nước. Do các đợt lũ kéo dài cộng thêm địa bàn thấp trũng, nên lượng bùn đất, rác thải từ các nơi đổ về cồn Hến quá lớn. Mặc dù bà con chủ động dọn dẹp, nhưng tại các vùng đất canh tác, khu đất công cộng vẫn còn nhiều rác tù đọng.
 
Xác định cồn Hến là một trong những "điểm đen" rác thải, bùn đất sau lũ, UBND TP. Huế đã huy động hơn 270 người, gồm: quân đội, công an, đoàn thanh niên, công nhân môi trường đô thị, cây xanh và lực lượng các đoàn thể của phường Vỹ Dạ tham gia dọn vệ sinh môi trường.
 
Ông Huỳnh Văn Hải, Trưởng ban công tác mặt trận tổ 13, phường Vỹ Dạ từ mấy hôm nay đều vác loa đi thông báo, kêu gọi, vận động người dân tham gia vệ sinh, dọn rác. Nhờ đó, các tuyến chính, tuyến kiệt, nhà dân đều được xịt rửa, dọn dẹp sạch sẽ hơn.
 
Kêu gọi, tuyên truyền người dân tham gia làm vệ sinh môi trường tại cồn Hến, Vỹ Dạ
 
Tuy nhiên, điều mà ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế chưa hài lòng là trong khi nhiều lực lượng vất vả tham gia dọn vệ sinh thì người dân sở tại vẫn còn bàng quan, chưa có ý thức chung tay vì môi trường chung. Chỉ cần mỗi người dân cùng góp sức thì hiệu quả sẽ cao hơn, tình trạng rác thải nhếch nhác sau lũ sẽ sớm được xử lý.
 
Do ảnh hưởng các đợt bão, lũ quá nặng, trong khi đó nhân lực, phương tiện để dọn dẹp vệ sinh môi trường tại chỗ thiếu, nên đến nay, nhiều khu vực trên địa bàn TP. Huế và các vùng thấp trũng ở huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang... vẫn còn bừa bộn rác thải, bèo, cây cối gãy đổ.
 
Đến ngày 1/11, tuyến đường Trịnh Công Sơn, Bờ Sông Hương... thuộc phường Phú Cát, TP. Huế vẫn còn ngổn ngang cành cây gãy, rác dọc 2 bên đường. Anh Trịnh Minh Quốc, ở 232 Bờ Sông Hương, phường Phú Cát, TP. Huế trò chuyện: "Nước vừa rút, bà con vừa dọn sạch nhà cửa, vừa cào lớp bùn đất quá gối để thông lối đi. Nhà nào tự giác xử lý nhà ấy nhưng vẫn chưa xong".
 
Tại 2 thôn Ma Nê, Phú Lộc, xã Phong Chương (Phong Điền) dù theo kế hoạch sẽ ra quân dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả sau lũ lụt, nhưng vì đến nay, nước ở những khu vực này vẫn chưa rút hết. Khả năng vài ngày tới, địa phương mới huy động lực lượng vệ sinh khu vực này.
 
Khắp nơi ra quân 
 
Mưa lũ làm sinh hoạt của nhiều nhà dân bị đảo lộn hoàn toàn. Dù công tác thu gom rác thải đã được các địa phương thực hiện khá tốt và nhất là phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" được duy trì đều đặn, thường xuyên trên toàn tỉnh, nhưng môi trường sau lũ vẫn phức tạp do nhiều nguồn thải ứ đọng lâu ngày. Vì thế, ngoài thiệt hại, hư hỏng tài sản, điều người dân lo lắng hơn cả là nguy cơ xảy ra dịch bệnh, do môi trường bị ô nhiễm.
 
Rác thải, chất thải ứ đọng sau lũ đang là mối lo ngại đối với người dân 
 
Ưu tiên hàng đầu của các địa phương trong những ngày qua là tập trung khắc phục, xử lý các công trình công cộng như: trạm, trường để phục vụ việc học tập của các em và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tiếp đó là hỗ trợ, vận động bà con chủ động dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, thu gom rác thải, nhằm phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, cảm cúm.
 
Từ sự lan tỏa sâu rộng của "Ngày Chủ nhật xanh", phong trào này đã được lồng ghép để thực hiện công tác vệ sinh môi trường sau lũ. Tất cả các lực lượng đều chung tay. Sau khi UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương ra quân tổng vệ sinh môi trường sau lụt trong 2 ngày 31/10 và 1/11 kết hợp thực hiện "Ngày Chủ nhật xanh", hầu khắp các cơ quan, đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang và người dân đều có mặt tại các điểm bị ảnh hưởng do ngập lụt, gió bão dọn dẹp vệ sinh. 
 
Tại tất cả các phường, xã, thị trấn ở 9 huyện, thị xã, thành phố; hàng trăm công nhân, phương tiện của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, Trung tâm Công viên cây xanh Huế làm việc hết tốc lực. Trong những ngày này còn có sự tham gia tích cực của hàng trăm đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh Đoàn, Đại học Huế, BCH Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh... tỏa về các địa phương hỗ trợ người dân, chính quyền vệ sinh môi trường, lợp lại nhà cửa, dọn cây gãy đổ, vớt bèo, đắp đê bao chống sạt lở bờ biển...
 
Với sự đồng lòng, tinh thần tương thân, tương ái hướng về đồng bào vùng lũ, công việc khắc phục, dọn dẹp vệ sinh môi trường vẫn được các lực lượng tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn sau lũ, sớm trả lại cảnh quan môi trường, sinh hoạt cho người dân. 
 
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG