Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa đặt câu hỏi chất vấn . Ảnh: Linh Trọng

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nêu câu hỏi chất vấn: Nguyện vọng của cử tri A Lưới kiến nghị qua hai khóa Quốc hội (khóa XIII, XIV) đề nghị Ủy ban Dân tộc trình cấp có thẩm quyền sớm công nhận dân tộc Pa Kô là một trong các dân tộc Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết nguyện vọng nêu trên có được hay không được công nhận. Nếu được công nhận thì thời gian nào?

Đại biểu cũng báo cáo với Quốc hội một số tiêu chí đặc biệt của Pa Kô: Đây là dân tộc tự nguyện mang dòng họ Bác Hồ sau khi Bác mất năm 1969 và có nhiều thành tích trong chống Mỹ cứu nước; là dân tộc có 8 Anh hùng lực lượng vũ trang. Có những anh hùng đã đi vào huyền thoại như Hồ Vai, Kan Lịch, Hồ A Đum và có những địa danh gắn liền những chiến công nổi tiếng như là sân bay A So, đồi A Bia, có đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua địa bàn. Rất mong Chính phủ và Bộ trưởng quan tâm.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, để trực diện trả lời câu hỏi của ngắn gọn của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa rất khó. Bởi vì nó cũng có một phần ngoài thẩm quyền, trách nhiệm Bộ trưởng Chủ nhiệm theo Điều 42 của Bộ luật Thống kê. Nhưng với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng sẽ gặp đại biểu Ngọc Nghĩa để trao đổi trực tiếp và trả lời bằng văn bản.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn Ảnh: Linh Trọng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Ủy ban Dân tộc xây dựng đề tài, lập đề án xác định thành phần tên gọi một số dân tộc và lập bảng danh mục các dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã mở đề tài khoa học và mời các nhà khoa học có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu, thành lập Ban soạn thảo đề án và thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, xin ý kiến của các bộ, ngành và 20 tỉnh, thành liên quan. "Trực tiếp, tôi cũng đã tiếp xúc với 5 nhóm đồng bào dân tộc thiểu số có ý kiến về xác định lại tộc danh của mình. Đại diện các nhóm dân tộc đó cũng đã có rất nhiều ý kiến phản ánh", Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nói.

Chúng tôi đã hoàn thành đề án này báo cáo với Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tổ chức một cuộc họp và lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan và đã có thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ số 102 về nội dung xác định thành phần tên gọi của một số dân tộc, xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam. Phó Thủ tướng đồng ý về 3 nội dung.

Nội dung thứ nhất, đồng ý về sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng đề án này. Bởi vì, bảng danh mục thành phần dân tộc Việt Nam đã được xác định từ năm 1979, quyết định 121 của Tổng cục Thống kê và thể theo pháp luật hiện nay thì thẩm quyền đó sẽ thuộc của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai là đánh giá cao quá trình chuẩn bị khẩn trương, trách nhiệm, thận trọng và đã có những đề xuất bước đầu có căn cứ, sức thuyết phục.

Thứ ba, giao cho Ủy ban Dân tộc tiếp thu ý kiến của Hội nghị, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê và các địa phương, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Không phải chỉ có dân tộc Pa Kô mà có 21 nhóm dân tộc đề nghị xác định lại thành phần, tên gọi của mình. Đây là những vấn đề rất lớn liên quan đến lịch sử, văn hóa, tác động sâu rộng đến tâm tư, tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta phải đảm bảo một nguyên tắc cao nhất trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Qua tham khảo, nghiên cứu các nước xung quanh thì Lào có 49 dân tộc, Myanmar có 135 sắc tộc, Trung Quốc thì có 56 dân tộc. Căn cứ vào tất cả những nội dung đó, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện để báo cáo lại lần thứ hai.

“Với tinh thần là trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tôi đã cố gắng để hoàn thành nội dung này. Nhưng tôi nghĩ rằng việc lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành và như tôi đã nói. Do vậy, cần có thời gian, chúng tôi sẽ tiếp tục với tinh thần cao nhất, cũng chia sẻ và đồng cảm với những đề xuất của bà con”- Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định tại phiên trả lời chất vấn...

Thái Bình (ghi)