Từ đầu tháng 10 đến ngày 19/11/2020, số lượng bệnh nhân xét nghiệm dương tính với Whitmore nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng gấp nhiều lần so với cả năm. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng rất nặng; trong đó, gần 50% trường hợp cần phải hồi sức tích cực và đã có trường hợp tử vong.
Để các Sở Y tế và các bệnh viện trong khu vực kịp thời nắm bắt và chủ động trong việc thu dung điều trị bệnh nhân Whitmore, Bệnh viện Trung ương Huế đã thông báo danh sách bệnh nhân về các địa phương. Ngoài Thừa Thiên Huế, các tỉnh có bệnh nhân Whitmore đã được ghi nhận là Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Trong đó, gần 50% bệnh nhân sống ở Thừa Thiên Huế.
Việc này sẽ hỗ trợ Sở Y tế các địa phương quản lý và theo dõi, tạo điều kiện cho bệnh nhân tái khám điều trị đủ liệu trình. Đặc biệt lưu ý khi bệnh nhân xuất viện phải tư vấn kỹ việc điều trị duy trì tại nhà đúng quy định và kịp thời chuyển tuyến trên khi bệnh tiến triển nặng.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, sau khi bệnh viện gửi công văn 1921/BVH ngày 19/11/2020 thông báo tình hình bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị và Trung tâm Y tế huyện Phú Vang liên hệ lấy thông tin đầy đủ về địa chỉ của các bệnh nhân Whitmore có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng liên hệ để Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn đối với loại bệnh này.
Bệnh Whitmore do trực khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Bệnh Whitmore chưa có vaccine dự phòng, nhưng người dân hoàn toàn có thể tránh và được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm.
Đồng Văn