Chị Nguyệt hướng dẫn hoàn tất thủ tục tham gia BHXHTN

Chúng tôi đến bộ phận “một cửa” tại trụ sở UBND xã Hồng Vân lúc chị Hồ Thị Nguyệt đang tập trung hướng dẫn anh Hồ Văn Vía (thôn Ka Cú 1) hoàn tất các thủ tục để đóng tiền tham gia BHXHTN trong 5 năm liền. Anh Vía cười, nụ cười đầy yên tâm: “Tham gia BHXH, thì 20 năm sau, khi tuổi nhiều, sức không còn khỏe, mình có lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, không cần phải lo lắng, bấp bênh nữa”.

Vợ chồng anh Vía là nông dân, thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn. Công sức trồng và chăm sóc rừng keo, tràm trong suốt mấy năm qua đã có kết quả, vợ chồng anh Vía thu được số tiền khá lớn trong vụ thu hoạch vừa rồi. Nghe chị Hồ Thị Nguyệt phân tích những quyền lợi, sự bảo đảm chắc chắn cho cuộc sống sau này, khi có lương hưu, vợ chồng anh Vía rất “ưng cái bụng”, quyết định trích một phần tiền bán keo, tràm để tham gia BHXHTN. Từ phân tích cặn kẽ của chị Nguyệt, anh Vía đã lựa chọn hình thức đóng tiền “một cục” cho 5 năm liền, để được Nhà nước hỗ trợ 30% trong 10 năm (mức hỗ trợ dành cho hộ nghèo). Quyết định này cũng là động lực để vợ chồng anh Vía tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, đảm bảo tham gia BHXH cho cả hai vợ chồng.

Chị Hồ Thị Nguyệt cho biết: Xã giao chỉ tiêu cho chị trong năm 2020 vận động 47 trường hợp tham gia BHXHTN với tổng số tiền trên 124 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ đến 31/10, chị Nguyệt đã vận động được 97 người tham gia, với tổng số tiền thu được 143 triệu đồng, vượt chỉ tiêu 208% về người và vượt chỉ tiêu 115,5% về tiền.

“Thành thạo cả tiếng kinh và tiếng Pa Cô là một thuận lợi của tôi trong quá trình vận động người dân trên địa bàn. Nhưng điều quan trọng nhất, mình phải thực hiện công việc bằng cái tâm, đặt lợi ích của những người tham gia BHXHTN lên hàng đầu”- chị Nguyệt chia sẻ. Vậy nên trước khi đi vận động, chị Nguyệt phải tìm hiểu rất kỹ, nắm rõ các quy định của pháp luật, chính sách về BHXHTN, “nhuần nhuyễn” các quyền lợi mà người tham gia BHXHTN được hưởng. Đồng thời, phải tìm hiểu kỹ mức thu nhập của từng trường hợp để tư vấn cho họ lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp mức thu nhập.

“Rất nhiều người từng cho rằng, thời gian đóng bảo hiểm dài như vậy (20 năm), thà để vốn mà làm ăn. Cũng có người tâm tình với tôi, họ dành tiền sau này đóng BHXHTN cho con. Tôi phân tích, các cháu đến tuổi trưởng thành phải cố gắng lao động, làm việc, từ đó sẽ có nhiều cơ hội. Còn anh (chị) bây giờ đang làm ăn được, tốt nhất nên tham gia BHXH để sau này già yếu, có bất trắc nào xảy ra, thì cũng đã được bảo đảm về tài chính (lương hưu), về chăm sóc sức khỏe (bảo hiểm y tế miễn phí 95%), không phụ thuộc và không gây ra gánh nặng cho con, cháu. Suy nghĩ thông suốt nên họ đã quyết định tham gia BHXHTN”- chị Nguyệt nói.

Sau thời gian khá dài “ngập ngừng”, nghe chị Nguyệt phân tích lợi ích bền vững khi tham gia BHXHTN, chị Hồ Thị Nhàn, chị Nguyễn Thị Thấy (thôn Kêr) đã “gật đầu”. Không những vậy, họ còn lựa chọn mức đóng cao. Điều đáng mừng hơn, nhiều trường hợp như anh Nguyễn Sinh, chị Hồ Thị Hên…, sau khi tham gia BHXHTN, còn trở thành tuyên truyền viên, cùng chị Nguyệt “lan tỏa” ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXHTN trong cộng đồng dân cư, thôn, bản hiệu quả, khiến nhiều người “thông suốt”, hưởng ứng.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh