Hơn 130 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững… cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021 – 2025, theo tinh thần Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Con số này được công bố tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II, diễn ra cuối tuần qua.

Đồng bào DTTS là một phần quan trọng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, với hơn 14,2 triệu người. Thời gian qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Đến nay, mạng lưới giao thông, điện, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế… vùng đồng bào DTTS cơ bản được đảm bảo. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, giúp đồng bào từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu được triển khai.

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, đồng bào DTTS hiện có hơn 54 nghìn người, chủ yếu là dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều… được xem là người bản địa sinh sống ở phía Tây của tỉnh. Cùng với cả nước, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được tỉnh triển khai nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… với kinh phí đầu tư cho đồng bào vùng DTTS trên địa bàn hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Song song với đầu tư vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, các chương trình, dự án…, các ban ngành, đoàn thể, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn vùng có đồng bào DTTS đã có nhiều việc làm thiết thực, nhất là tạo sinh kế bền vững cho người dân…

Được biết, riêng nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội cho vùng DTTS và miền núi, chiếm đến 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước. Song, thực tế cho thấy, vùng đồng bào DTTS tại Thừa Thiên Huế nói riêng, cả nước nói chung so với sự phát triển của các vùng khác vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nguyên nhân được cho là kỹ năng lao động của người DTTS còn thấp, khiến cho cơ hội việc làm bị hạn chế và thu nhập chậm được cải thiện.

Bên cạnh đó, sự trông chờ, ỷ lại, thiếu hoạch toán kinh tế trong cơ chế thị trường của một bộ phận đồng bào DTTS… cũng là nguyên nhân khiến vùng DTTS chậm phát triển. Trong thực tế, có nhiều mô hình, dự án tạo sinh kế bền vững cho đồng bào như đầu tư con giống phát triển chăn nuôi, nhưng chỉ được một thời gian, do người dân không có ý thức quản lý, thậm chí còn mang con giống để giết thịt. Ngoài ra, tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng, đất sản xuất bị ảnh hưởng từ các công trình, dự án thủy điện, khai thác mỏ… ít nhiều đã tác động tiêu cực đến sinh kế người dân.

Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thời gian qua là thực tiễn với nhiều bài học quý giá, để việc triển khai đề án lần này đạt hiệu quả cao hơn. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào tích cực lao động, sản xuất, khắc phục tình trạng thụ động, trông chờ, ỷ lại; quan tâm tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách trồng, cách chăm, cách nuôi cho người dân... Đó là “cần câu” để đồng bào DTTS chủ động trong phát triển kinh tế, vươn lên cùng sự phát triển chung của đất nước.

Đặng Thành