Những cây dược liệu ở địa phương từng bước được nghiên cứu hình thành sản phẩm dược liệu đưa ra thị trường

Đề tài được thực hiện 2 năm bắt đầu từ tháng 9/2019 do PGS.TS Lê Tuấn Anh làm chủ nhiệm với kinh phí 1.066 triệu đồng. Đề tài đã nghiên cứu chọn lọc và xây dựng danh mục rút gọn 200 loài cây thuốc có công dụng chữa bệnh theo tri thức bản địa; trong đó sàng lọc chọn ra 20 loài có tiềm năng để phát triển cây thuốc, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, dễ trồng, có thời gian sinh trưởng ngắn mà giá trị kinh tế cao.

Những loài này có tên gọi địa phương, như Thạch Tùng, Ngấn chày, Bình Vôi, Bạch hoa xà, Tầm bóp, An xoa, Bồ Công anh, Căn xà Ba Vì, Rau má... nằm ở nhiều địa phương, trong đó hiện diện nhiều ở Quảng Điền, Phong Điền, TP. Huế và miền núi Nam Đông. Trong số những dược liệu tiềm năng này có 3 loài: Tầm bóp, An xoa, Xà căn Ba đã nghiên cứu có công dụng hiệu quả trong điều trị ung thư và kháng viêm.

Với tiềm năng trên, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất UBND tỉnh và các ban ngành liên quan tạo cơ chế chính sách thuận lợi xây dựng phương án nuôi trồng, chăm sóc, sản xuất chế biến theo hướng hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2030 đưa nghề trồng cây dược liệu địa phương trở thành nghề có thế mạnh để phát triển công nghiệp hóa dược.

Tin, ảnh: Minh Văn