Người tham gia show diễn; người náo nức canh chờ để có những tấm ảnh tư liệu quý; người đội mưa ngắm xích lô quảng diễn áo dài, diễu qua những tuyến đường, từ Thành nội, qua cầu Trường Tiền đến chợ Đông Ba... Hòa vào đường phố, hòa vào mưa, áo dài đã tạo nên vẻ đẹp vừa quen, vừa lạ cho Huế.
Diễn ra trong 3 ngày, từ 18/12/2020, chương trình tôn vinh áo dài lần này là nỗ lực của ngành văn hóa trong chiến lược xây dựng, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Huế với giá trị áo dài, ẩm thực. Chương trình được xem là bước thử nghiệm việc tổ chức “Ngày hội Áo dài” định kỳ hằng năm tại Huế, từng bước hiện thực đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”; “Huế - Kinh đô Ẩm thực Việt Nam” đã được xác định.
Với mong muốn xây dựng Huế thành thành phố áo dài, nhiều định hướng, hoạt động tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản áo dài đã được khởi xướng. Từ các kỳ Festival Huế với chương trình lễ hội áo dài đến việc thành lập Hội Áo dài Huế từ năm 2009. Tỉnh cũng đã vận động nữ cán bộ, người dân trên địa bàn mặc áo dài đi làm vào đầu tuần. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã có chương trình miễn vé cho phụ nữ mặc áo dài tham quan di tích nhằm vận động người dân mang áo dài. Sở Văn hóa-Thể thao mới đây cũng đã triển khai cho toàn thể cán bộ, công chức, người lao động thuộc sở mặc áo dài truyền thống trong ngày thứ hai đầu tuần mỗi tháng, bắt dầu từ tháng 9/2020, như một sự tiên phong trong việc phục hồi, xây dựng văn hóa áo dài trong đời sống hàng ngày.
Còn nhớ cách đây nhiều năm, trò chuyện với Nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh, điều ông trăn trở là làm sao để chiếc áo dài Huế không chỉ hiện hữu trong đời sống thường nhật mà sẽ trở thành sản phẩm văn hóa–du lịch. Du khách đến Huế là để xem áo dài, mặc áo dài, may áo dài, thậm chí tham dự các hội thi áo dài. Khi ấy, áo dài mới thực sự sống, được bảo tồn bền vững gắn với phát huy giá trị.
Từ Đức về Huế, TS. Thái Kim Lan cũng đã ấp ủ dự định xây dựng không gian trưng bày áo dài xưa, tổ chức các show áo dài thường kỳ kèm dịch vụ áo dài cho du khách. “Nếu chỉ dừng lại ở các kỳ festival thôi là chưa đủ. Áo dài phải được quảng bá, lan tỏa giá trị hơn nữa, trở thành sản phẩm văn hóa-du lịch riêng có của Huế, như cách người Nhật đã khai thác hiệu quả hình ảnh, giá trị của chiếc Kimono”, TS. Thái Kim Lan bày tỏ.
Chắc chắn, để Huế trở thành kinh đô áo dài, cần một chiến lược cụ thể, với những bước đi cụ thể. Một thuận lợi là những gì mà người dân Huế đã đón đợi, tham gia Ngày hội Áo dài cuối tuần qua cho thấy, mong ước, niềm đam mê áo dài trong đời sống Huế vẫn sâu đậm. Tình yêu đó cũng đã thôi thúc nhà thiết kế, nhà tổ chức sự kiện trẻ Nguyễn Lan Vi thành công với “Áo dài show” đã trở thành sản phẩm văn hóa-du lịch được yêu thích ở Việt Nam vài năm lại đây khi chương trình có thời điểm bán được hơn 15.000 vé/đêm diễn.
Trên lộ trình xây dựng Huế thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, chắc chắn áo dài là một tiềm năng lớn giàu tính khả thi trong bảo tồn và phát huy giá trị, khi việc xây dựng áo dài Huế thành thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ du lịch gần như hội đủ các điều kiện về lịch sử, sự kế thừa, môi trường bảo tồn, phát triển...Cái còn lại có lẽ là sự quyết liệt hơn trong tổ chức thực hiện mà cốt lõi là sự kết nối, huy động sức mạnh xã hội hóa.
Nhật Nguyên