Ủy ban châu Âu (EC) cũng cho biết, toàn bộ tiến trình xuất khẩu nhựa cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Theo thông cáo báo chí, các quy định mới vẫn cho phép xuất khẩu “phế phẩm nhựa sạch được gửi đi tái chế” sang các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Song đối với chất thải nhựa chưa phân loại, mọi hành động sẽ hoàn toàn bị cấm. Việc thay đổi quy tắc là một phần quan trọng trong nỗ lực về Thỏa thuận Xanh của EU để thiết lập một nền kinh tế tuần hoàn.
Được biết, sau lệnh cấm nhập khẩu nhựa được Trung Quốc đưa ra hồi năm 2018, rác thải nhựa chuyển hướng vận chuyển đến các quốc gia châu Á khác, đơn cử như Malaysia.
Tuy nhiên, do không có, hoặc không có đủ cơ sở tái chế ở các nước này, hàng phế phẩm nhựa xuất khẩu của EU đã gây ra sự chỉ trích lớn từ các nhà môi trường – những người cho rằng phần lớn chất thải của khối đã kết thúc vòng đời ở đại dương, hoặc bị đốt.
Chính vì vậy, hành động cấm hoàn toàn việc xuất khẩu rác thải nhựa đến các nước nghèo hơn của Liên minh châu Âu (EU) chính là gửi đi thông điệp “Ở khối Liên minh châu Âu (EU), chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về lượng rác mà chúng tôi đã tạo ra”, Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevicius nhấn mạnh.
Trong một diễn biến khác có liên quan, các quy tắc mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng khống chế số lượng lô hàng nhựa của 27 nước thành viên EU. Được biết, những hình ảnh về rác thải nhựa trên các bãi biển và phế phẩm nhựa trôi nổi trên biển đã làm nổi bật tình trạng quá tải nhựa toàn cầu xuất hiện từ thế kỷ trước. Cụ thể, khoảng 6,3 tỷ tấn chất thải nhựa đã được tạo ra kể từ năm 1950, trong đó 12% đã bị đốt, chưa đến 10% được đem đi tái chế và gần 80% bị loại bỏ hoặc chôn lấp.
Chỉ riêng năm 2019 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn rác thải nhựa, với nguồn rác thải chủ yếu được vận chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các nước châu Á khác bao gồm Malaysia và Indonesia.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Dpa International & Dw News)