Nhưng đặc sản của bờ rào là những loài rau cỏ dại: cỏ rìu, cỏ éo, cỏ hôi, rau trai... Sau một đêm mưa, sáng mai ra cỏ lên non xanh, chọn những lá non nhất, sạch nhất hái đầy một rá. Dĩa rau cỏ dại luộc lên thơm hương thảo mộc dễ chịu. Để chế biến rau cỏ hàng rào thành một món ngon thì nhất định phải có chén nước ruốc chấm với tỏi, ớt tươi và thêm chút mỡ... Tôi vẫn nghe mạ nói, ăn món rau dại bờ rào là một cách để phòng cảm mạo những ngày gió lạnh đầu mùa, bởi mỗi loài rau cũng là một vị thuốc hay...

Ở quê tôi, sau khi thu hoạch vụ hè thu, mùa màng xong xuôi; cùng với cái đụn rơm to ở góc vườn nhà thì bên cạnh còn có những ụn rơm nhỏ. Đó là những ụn rơm mà người nông dân dành để ủ cho những vồng đất mùa gieo hạt. Thường thì để cho chắc ăn phải đến sau ngày hăm ba tháng mười hạt giống các loại rau, các loại hoa mới được gieo trồng. Nhưng cũng có những năm vào tháng chín âm lịch đã thấy cánh đồng làng được ủ rơm, với những mảng màu vàng đầy ấm áp và hy vọng.

Tất nhiên để gieo hạt cho một mùa rau mới, người trồng rau phải dựa vào kinh nghiệm để đoán thời tiết; thường thì thấy hoa lau nở trắng bụi bờ, gió bấc se se thổi và những đàn cò bay về đậu trắng bờ đê thì biết đã không còn bão lụt nữa. Nhưng không ai biết trời mấy tuổi, có năm mưa gió quay lại bất chừng và người nông dân lại trắng tay một mùa gieo hạt...

Những sợi rơm gắn chặt với cơ nghiệp nhà nông từ chái bếp cho lửa hồng và là tấm chăn ấm che chở cho hạt nảy mầm, sau đó hóa thân vào đất đai cho rau trái xanh tươi. Nước rút ra sông, phù sa ở lại cùng rơm vàng cho mùa gieo hạt mới. Cánh đồng làng đã bừng lên sức sống với màu vàng của rơm, màu xanh non của những vạt cải con, xà lách, tần ô. Chỉ chừng hơn nửa tháng màu vàng sẽ lẩn khuất cho một cánh đồng xanh...

Làng tôi dài chừng 2 cây số và phân chia rõ thành 4 ngụ (khu vực) theo hướng mặt trời: Nhất đông, Nhì đông, Nhì tây, Nhất tây. Ngoại tôi ở Nhất đông, cách nhà tôi ở Nhất tây chừng hơn cây số. Tuổi thơ tôi về Nhất đông là về bên ngoại luôn ấm áp và yêu thương. Mà cũng là dân trong làng, nhưng tính cách của người dân từng ngụ cũng có đôi chút khác nhau.

Nói về tính cần cù, chịu khó thì những người dân Nhất đông là nhất làng. Hồi trước, mỗi lần về kỵ bên ngoại nghe kể có mấy anh thanh niên mới lấy vợ đã ra làm ăn riêng, nhận mấy mẫu ruộng để cày cấy, đó là chưa kể làm vườn. Sau lưng làng tôi là một dãy cát dài, nhưng chỉ có bà con Nhất đông xới cát, đào hồ nước để trồng rau xanh thành những mảnh vườn rau xanh trên cát.

Hôm qua về quê đi chạp mộ, tôi chạy xe về phía độn cát và ngỡ ngàng với màu xanh của những vườn rau Nhất đông sau hơn một tháng dài bão lụt. Người ở Nhất đông luôn cần cù, chất phác, nói năng chắc chắn; và nhìn những khu vườn rau xanh tôi chợt nhận ra rằng xứ ngoại của tôi là chốn lưu giữ nét quê bền bỉ nhất...

Phi Tân