ClockChủ Nhật, 27/12/2020 21:32

Rau làng sau lụt

TTH - Trời mưa. Những cơn mưa đã không còn dữ dằn nữa. Tiếng mưa thong thả làm tôi nhớ bờ rào nhà tôi. Nơi đó, có mấy con ếch bà đêm đêm thả giọng trầm đón mưa. Nơi đó, thỉnh thoảng có đàn cá diếc, cá rô bơi lạc dòng nước. Nhưng nhớ bờ rào là nhớ những loài rau dại. Là những bụi muộng chuộng cho nhiều đọt và lá non để bà nội ngắt vô nấu một tô canh hến. Con hến nấu canh với rau trái chi cũng ngon, nhưng tô canh hến nấu với muồng chuộng có hương vị riêng: thanh và ngọt...

Lắng ngheCuối tuần, về làng uống cà phêNgười yêu quê

Nhưng đặc sản của bờ rào là những loài rau cỏ dại: cỏ rìu, cỏ éo, cỏ hôi, rau trai... Sau một đêm mưa, sáng mai ra cỏ lên non xanh, chọn những lá non nhất, sạch nhất hái đầy một rá. Dĩa rau cỏ dại luộc lên thơm hương thảo mộc dễ chịu. Để chế biến rau cỏ hàng rào thành một món ngon thì nhất định phải có chén nước ruốc chấm với tỏi, ớt tươi và thêm chút mỡ... Tôi vẫn nghe mạ nói, ăn món rau dại bờ rào là một cách để phòng cảm mạo những ngày gió lạnh đầu mùa, bởi mỗi loài rau cũng là một vị thuốc hay...

Ở quê tôi, sau khi thu hoạch vụ hè thu, mùa màng xong xuôi; cùng với cái đụn rơm to ở góc vườn nhà thì bên cạnh còn có những ụn rơm nhỏ. Đó là những ụn rơm mà người nông dân dành để ủ cho những vồng đất mùa gieo hạt. Thường thì để cho chắc ăn phải đến sau ngày hăm ba tháng mười hạt giống các loại rau, các loại hoa mới được gieo trồng. Nhưng cũng có những năm vào tháng chín âm lịch đã thấy cánh đồng làng được ủ rơm, với những mảng màu vàng đầy ấm áp và hy vọng.

Tất nhiên để gieo hạt cho một mùa rau mới, người trồng rau phải dựa vào kinh nghiệm để đoán thời tiết; thường thì thấy hoa lau nở trắng bụi bờ, gió bấc se se thổi và những đàn cò bay về đậu trắng bờ đê thì biết đã không còn bão lụt nữa. Nhưng không ai biết trời mấy tuổi, có năm mưa gió quay lại bất chừng và người nông dân lại trắng tay một mùa gieo hạt...

Những sợi rơm gắn chặt với cơ nghiệp nhà nông từ chái bếp cho lửa hồng và là tấm chăn ấm che chở cho hạt nảy mầm, sau đó hóa thân vào đất đai cho rau trái xanh tươi. Nước rút ra sông, phù sa ở lại cùng rơm vàng cho mùa gieo hạt mới. Cánh đồng làng đã bừng lên sức sống với màu vàng của rơm, màu xanh non của những vạt cải con, xà lách, tần ô. Chỉ chừng hơn nửa tháng màu vàng sẽ lẩn khuất cho một cánh đồng xanh...

Làng tôi dài chừng 2 cây số và phân chia rõ thành 4 ngụ (khu vực) theo hướng mặt trời: Nhất đông, Nhì đông, Nhì tây, Nhất tây. Ngoại tôi ở Nhất đông, cách nhà tôi ở Nhất tây chừng hơn cây số. Tuổi thơ tôi về Nhất đông là về bên ngoại luôn ấm áp và yêu thương. Mà cũng là dân trong làng, nhưng tính cách của người dân từng ngụ cũng có đôi chút khác nhau.

Nói về tính cần cù, chịu khó thì những người dân Nhất đông là nhất làng. Hồi trước, mỗi lần về kỵ bên ngoại nghe kể có mấy anh thanh niên mới lấy vợ đã ra làm ăn riêng, nhận mấy mẫu ruộng để cày cấy, đó là chưa kể làm vườn. Sau lưng làng tôi là một dãy cát dài, nhưng chỉ có bà con Nhất đông xới cát, đào hồ nước để trồng rau xanh thành những mảnh vườn rau xanh trên cát.

Hôm qua về quê đi chạp mộ, tôi chạy xe về phía độn cát và ngỡ ngàng với màu xanh của những vườn rau Nhất đông sau hơn một tháng dài bão lụt. Người ở Nhất đông luôn cần cù, chất phác, nói năng chắc chắn; và nhìn những khu vườn rau xanh tôi chợt nhận ra rằng xứ ngoại của tôi là chốn lưu giữ nét quê bền bỉ nhất...

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu

Những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống thoát nước tại các đô thị. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng tiêu thoát nước chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra dẫn đến ngập úng cục bộ, ngập lụt khi có mưa lũ.

Hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu
Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến nay có vẻ như vẫn còn chưa rõ rệt. Bởi mỗi năm của Huế thật ra chỉ có hai mùa. Nắng như đổ lửa chưa qua thì mưa dầm sùi sụt đã nối bước. Và mùa mưa Huế dù đến sớm hay muộn thì cũng được ông trời tặng kèm theo hai đặc sản mà người nhận luôn ở trong tâm trạng thắc thỏm lo âu: bão và lụt.

Lụt Huế
Return to top