Tháng 9 năm ngoái, một triển lãm tương tự với tên “Bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản Triều Nguyễn” cũng đã được tổ chức tại Đại Nội-Huế.

Chỉ khác, lần này, Châu bản triều Nguyễn, ngày 14-5-2014, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á –Thái Bình Dương và qua cuộc tọa đàm, nhiều giá trị quý hiếm của Châu bản triều Nguyễn đã được các tham luận nêu rõ, nổi bật nhất và có tính thời sự đặc biệt là: Mặc dù số lượng còn giữ lại được chỉ chiếm 10%, từ Châu bản hiện có cung cấp cho chúng ta các văn bản có tính pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (tham luận của GS. PTS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và tham luận của nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An…). Tuy vậy, điều này, gần đây đã được giới truyền thông nói đến nhiều. Vấn đề thời sự hơn đặt ra là: sử dụng những văn bản có tính pháp lý rõ ràng này trong cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng.

Hy vọng là sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong phát biểu tại diễn đàn Quốc hội mới đây, đã nói về đối sách với Trung Quốc là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, sẽ thúc đẩy các bước đấu tranh một cách thiết thực, trong đó không loại trừ biện pháp kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Cần phải nói rõ ràng hơn: Một khi trong các hội đàm cấp cao của hai bên, Trung Quốc khăng khăng yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, không hứa hẹn sẽ trả lại các đảo mà họ chiếm trái phép của Việt Nam thì có thể nói cách đấu tranh duy nhất mà ta đủ điều kiện thực hiện là kiện họ ra Tòa án quốc tế.

Châu bản Triều Nguyễn, thời điểm hiện nay có đến 773 tập của 11 triều vua từ Gia Long đến Bảo Đại với trên 8 vạn văn bản. Từ khối lượng đồ sộ đó, chúng ta có thể tìm hiểu thêm rất nhiều mặt đời sống xã hội thời đó, từ việc lớn như chủ quyền quốc gia, cho đến việc nhỏ như quy định số lượng tuyển sinh, việc in khắc sách vở… Mặt khác, từ Châu bản triều Nguyễn, chúng ta có thể liên hệ đến các vấn đề thời sự khác, chứ không chỉ là chuyện Hoàng Sa-Trường Sa.

Chỉ xin dẫn một văn bản thời vua Khải Định thứ 2 (1917): Khi Viện Cơ mật tâu xin thưởng tiền vàng cho Bố chánh Bình Thuận, bút phê của nhà vua như sau: “Đó là nghĩa vụ của nước ta và chức phận của viên đó, thưởng làm gì!”

Ngày nay, không còn vua trên ngai vàng, nhưng có những người đứng đầu đơn vị này, địa phương khác cũng tỏ ra quyền hành chẳng kém. Xin thử liên hệ đến chuyện “thời sự” đang sôi nổi trong dư luận: Như vụ nguyên Tổng thanh tra Chính phủ - Trần Văn Truyền, viện cớ “khó khăn” xin cấp nhà đất, nếu khắc thì hẳn đã có lời phê: “Ông ta có nhà, đất chỗ khác rồi mà còn tham lam. Không cấp!”.

Những việc loại này chắc không thuộc bí mật Nhà nước, nên giá như công bố cho công chúng biết những “bút phê” tương tự như thế là của “vua” nào? (nói “bút phê tương tự”, vì đâu chỉ có ông Truyền; vì chính Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, cũng đã nói: “… Đây là vụ việc cụ thể thôi, chứ không phải là thiếu những vụ việc tương tự như thế này… Vẫn có nhiều ông Truyền khác…” (Báo “Tuổi trẻ” ngày 22-11)). Và ngay chính trong số “bút phê” của ông Trần Văn Truyền có lẽ cũng có “bút phê” nếu được công bố sẽ làm lộ mặt thật thêm những “con sâu”. Ở đời, ai lạ gì chuyện “có đi có lại”, như ai đó vừa nói “bên thò chân giò, bên lò chai rượu” - ông Truyền phải “bút phê” ưu ái cho người này, người khác mới được lắm ưu tiên nhà đất như thế chứ!

Chuyện “Bút phê” của nhà vua Triều Nguyễn mới được công bố có lẽ cũng là lời nhắc nhở các vị thủ trưởng hiện nay ở mọi cấp rằng: Xin hãy thận trọng, hãy thật sự “chí công vô tư” khi “bút phê” (hoặc là “điện thoại phê”), chứ “trăm năm bia đá thì mòn” nhưng các “bút phê” thời công việc lưu trữ ngày càng được coi trọng, sớm muộn cũng…được đem ra triển lãm!

Nguyễn Khắc Phê