Nguy cơ bó dòng
Đứng trước bến Văn Lâu, tôi lại chạnh lòng khi nhớ lại câu ca “Trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai mong?” vì ngày nay bến Văn Lâu không còn là bến nước nữa mà là “bến cạn”, ngồi câu sẽ thả mồi trên bãi cỏ. Gần đây, phần bãi cỏ trước bến đã được bê tông hóa cùng chiếc cầu phao. Bến Thương Bạc còn hơn thế, càng ngày càng lùi xa dòng nước, nếu ai đó bước xuống bậc cấp cuối cùng của bến cũng phải bước thêm khoảng 30-40 bước nữa mới chạm được dòng. Thử chạy ngược dòng từ hướng Đập Đá lên phía thượng lưu, chúng ta sẽ thấy bờ Bắc từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên và bờ Nam từ cầu Phú Xuân đến quán cà-phê Cây Si là hai bãi bồi rộng thênh thang, với nền cỏ xanh rười rượi. Nếu chỉ nhìn nhận ở góc độ sắc màu, nhiều người cho rằng thật thú vị khi thảm cỏ xanh ven đôi bờ ngày càng hoành tráng. Nhưng nếu nhìn một cách toàn diện và hướng về tương lai thì sẽ thấy đây là một nguy cơ – nguy cơ tái tạo dòng Hương theo chiều hướng bó dòng kiểu uốn lượn một cách tự nhiên.
Sông Hương trong xanh, thơ mộng được ví như linh hồn của Huế. Ảnh: Ngô Tiến Tân |
Tại sao tôi lại cho rằng đó là nguy cơ? Bởi tôi tin rằng, chẳng ai muốn dòng Hương hẹp lại, cũng chẳng ai muốn đôi bờ ngày càng trở thành hoang phế với bãi cỏ tự nhiên khúc khuỷu, quanh co, đẩy lùi các di tích vốn ngấp nghé mặt nước ngày xưa vào sâu trong đất liền. Hỏi thử du khách thả hồn theo dòng Hương trên những chiếc thuyền rồng sẽ nghe gì từ hướng dẫn viên khi nhìn vào các bến Văn Lâu, Thương Bạc hoặc những ốc đảo cỏ dại tồn tại, phát triển dọc theo bãi bồi, thậm chí chơi vơi giữa dòng? Rồi từ đó, du khách sẽ cảm nhận thế nào: Đẹp hay hoang phế? Tôn tạo hay bỏ bê? Đô thị hay nông thôn hoang dã? Thành phố văn hóa hay vùng sâu vùng xa?
Bèo và lục bình tấp vào cầu dẫn lên bến Phu Văn Lâu. Ảnh: X.Cẩm |
Chính những vòng cung lồi lõm của bãi bồi với những lùm cỏ lùng, cỏ lác cộng hưởng cùng những thảm bèo lục bình và cả những ốc đảo cỏ dại ven bờ là những bẫy tự nhiên hấp dẫn và lưu giữ rác thải, bùn non khiến cho đáy sông ven hai bờ ngày càng được nâng lên. Những chiếc cầu phao nối liền bờ sông với các nhà hàng nổi trên sông Hương cũng là những cái bẫy bèo và rác, tạo môi trường tiền đề cho các nê thực vật và thực vật háo ẩm xâm lấn dòng sông, giúp bờ sông nơi đây vốn đã được bồi đắp lại có điều kiện bồi đắp thêm. Chỉ cần một đoạn bờ sông được bồi đắp thì dòng chảy qua đó sẽ chững lại. Và khi dòng chảy chững lại thì sự sa lắng lại gia tăng khiến sự bồi đắp tăng tốc, cỏ dại háo ẩm xâm lấn. Với đà này, không khéo một ngày nào đó đôi bờ sẽ “nối vòng tay lớn” để lại xuất hiện một vài “cồn con”.
Bãi bồi với nhiều bẫy sinh học ở mạn Bắc dòng Hương |
Bảo tồn bền vững
Để khắc phục tình trạng trên là không quá khó, chỉ cần có một sự nhìn nhận khách quan từ phía chính quyền các cấp để nghiên cứu chọn lọc một số giải pháp thiết thực áp dụng cho công cuộc bảo tồn bền vững dòng Hương. Theo tôi, tối thiểu cũng nên nghiên cứu các giải pháp sau:
1. Giải pháp hành chính:
Cần có văn bản cấm tuyệt đối các hành vi xả rác thải, vàng mã... trực tiếp hoặc gián tiếp xuống dòng sông. Khuyến cáo dịch vụ du lịch trên dòng Hương phải có biện pháp vớt rác thải do thả hoa đăng hằng đêm. Quy định thiết kế nhà hàng nổi không quá kề cận bờ, không thiết kế cầu phao ra các nhà hảng nổi mà phải thay bằng cầu có cọc chống đỡ để dòng nước ven bờ lưu thông được, thường xuyên xử lý bèo và rác thải tấp vào cầu và phao nhà hàng...
2. Giải pháp kỹ thuật:
Triển khai cắt bãi bồi, nạo vét lòng ven bờ theo kiểu mái nhà. Định kỳ diệt trừ cỏ mọc tự nhiên xâm lấn dòng, vớt bèo, rác thải. Triệt giải các ốc đảo ven bờ, xa bờ nếu có dù lớn hay nhỏ.
3. Giải pháp xã hội:
Tuyên truyền vận động để các ban ngành, các đoàn thể xã hội và người dân đô thị cùng góp tay bảo vệ dòng Hương, xem đây là một di sản văn hóa, là một yếu tố đặc trưng góp phần giúp Huế vinh dự đón nhận hai danh hiệu trong cùng một năm – danh hiệu Thành phố Văn hóa và danh hiệu Thành phố bền vững môi trường ASEAN. Nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ dòng Hương bằng một số khẩu hiệu dựng lên ở hai bờ sông Hương, chẳng hạn như “Ném rác xuống dòng Hương là hủy diệt Huế”, “Huế đẹp, Huế thơ cũng nhờ dòng Hương trong, sạch”...