Chị Trần Thị Thắm (bên trái) nhân viên đại lý thu BHXH ở Hương Sơn
Chị Thắm ở thôn Ta Rung, là người dân tộc Cơ Tu. Chị có kỹ năng tuyên truyền, lại có uy tín với đồng bào nên vận động rất thuyết phục. Nhiều năm kinh nghiệm làm đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn xã Hương Sơn, chị Thắm chia sẻ: Với thời gian đóng BHXH tự nguyện kéo dài nên khi tuyên truyền tôi phải có những dẫn chứng cụ thể những người được hưởng lương hưu trong thôn, trong xã, không phải nhờ cậy đến con cháu lúc già để họ “thấm” dần. Vận động một người dân tham gia BHXH tự nguyện khó một, nhưng để duy trì bền vững còn khó gấp đôi”.
Theo chị Thắm, người dân ở đây đa số làm nông nghiệp, đời sống đồng bào còn khó khăn cho nên để vận động được một người dân tham gia, đại lý phải đồng hành, theo suốt quá trình. Có tháng đủ tiền thì họ nộp 3 tháng/lần, có lúc thì nộp từng tháng một. Chị nào khó khăn quá thì chị Thắm cho mượn tiền rồi trả dần.
Đồng bào dân tộc thường đi làm rẫy ở xa, có khi cả tháng mới về nhà. Người dân tộc, họ làm chòi ở lại trên rẫy để tiện cho việc sản xuất canh tác. Chòi nọ cách chòi kia cả quả đồi nên để vận động được một người tham gia gian khổ lắm! Phải đi bộ hàng cây số đường rừng mới gặp được bà con. Cho nên, muốn người dân hiểu, muốn “chốt” được đối tượng tham gia, chị Thắm thường dành thời gian các buổi chiều kết hợp tư vấn, giải thích cụ thể hơn cho người dân về quyền và lợi ích khi đóng BHXH tự nguyện...
Theo chân chị Thắm đến nhà anh chị Trần Thị Minh là người được chị Thắm vận động tham gia BHXH tự nguyện, tôi đã hình dung được phần nào những khó khăn trong công tác vận động. Chị Minh mở quán buôn bán tạp hóa nên thu nhập cũng đủ trang trải. Được chị Thắm vận động, từ tháng 3/2019 đến nay, chị Minh dành 754.000 đồng mỗi tháng để đóng BHXH tự nguyện. Theo tính toán, nếu tham gia liên tục với mức đóng như hiện nay, đến lúc nghỉ hưu chị Minh sẽ nhận được mức lương 3.047.000 đồng/tháng và có thẻ BHYT với mã quyền lợi hưu trí.
Với phương châm “đến từng nhà, gặp từng người”, thời gian qua, chị Thắm thể hiện được vai trò “cánh tay nối dài” để đưa các chủ trương, chính sách về BHXH tự nguyện đến gần hơn với đồng bào. Chia sẻ vì sao vận động BHXH tự nguyện đạt hiệu quả, chị Thắm cho biết: “Mình rất thích chính sách này, vì tính “để dành” của nó với người tham gia. Dù hiện chỉ có 2 chế độ thụ hưởng là hưu trí và tử tuất, nhưng đó là “lo toan liệu tính” về lâu dài.
Chị bảo, không dừng lại ở vận động phụ nữ tham gia, sắp đến chị sẽ tuyên truyền cho những người lao động khu vực phi chính thức về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện; những rủi ro khi không tham gia, từ đó thay đổi nhận thức, tích cực, chủ động tham gia nhằm đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống...
Bài, ảnh: An Nhiên