Diện mạo vùng biển Phú Vang khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Phong
“Giữ vững” khai thác biển
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, kinh tế biển và đầm phá là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Tuy nhiên, khai thác biển hiện gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng giảm.
Theo đánh giá của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), nguồn lợi cá nổi giảm 10%, cá tầng đáy giảm đến hơn 40%. Hạn ngạch tàu đánh bắt xa bờ phân bổ cho địa bàn đã “cán đích”, không thể phát triển thêm. Lao động biển thiếu. Những khó khăn này khiến sản lượng khai thác biển có nguy cơ giảm.
Huyện ủy Phú Vang đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp và chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai đến người dân nỗ lực thực hiện. Chính quyền địa phương các cấp, thông qua các nghiệp đoàn, các chi hội nghề cá, tổ hợp tác vận động, khuyến khích ngư dân đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, chuyển đổi, bổ sung nghề nghiệp để duy trì sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm (sản phẩm có giá trị xuất khẩu).
Nhiều ngư dân cải tiến chiều dài, chiều rộng lưới; đầu tư hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng đầu tư máy dò ngang, dò chụp để phát hiện sớm đàn cá. Đồng thời, phần lớn ngư dân trên địa bàn huyện trước đây chỉ làm nghề truyền thống (lưới vây, lưới cản), nay bổ sung thêm nghề khác, chủ động trong khai thác. Trong đó, tập trung chuyển đổi hoặc bổ sung thêm nghề lưới rê đánh bắt các loại cá có giá trị cao, xuất khẩu như cá lạc, cá chim, thu..., hoặc rê mực khơi đánh bắt quanh năm.
Với truyền thống chịu thương, chịu khó, yêu biển, yêu nghề, ngư dân Phú Vang hưởng ứng vận động, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để bám biển, bám nghề. Đội tàu đánh bắt, dịch vụ xa bờ (hàng trăm tàu xa bờ có chiều dài 15 mét trở lên, có công suất đến 1.000CV) thường xuyên bám biển, vươn khơi. Thị trấn Thuận An, các xã Phú Thuận, Vinh Thanh là những địa phương có nhiều đổi thay mạnh mẽ trong quá trình thực hiện các chủ trương nêu trên, đảm bảo sản xuất quy mô, giữ vững sản lượng khai thác, nâng cao các sản phẩm giá trị, đóng góp tích cực để Phú Vang năm 2020 đạt 100,34% sản lượng đánh bắt so với kế hoạch đề ra.
“Ngư dân Phú Vang sống nhờ biển, phần lớn “cha truyền con nối”. Rất nhiều ngư dân có cuộc sống khấm khá, đi lên, làm giàu từ biển. Gia đình tôi cũng bắt đầu từ chiếc thuyền chèo, quá trình nỗ lực bám biển, tích lũy, nay đã làm chủ chiếc tàu công suất 750 CV”- ngư dân Nguyễn Bằng (xã Vinh Thanh) phấn khởi.
Phát triển hạ tầng dịch vụ - du lịch
“Phát triển kinh tế biển trong giai đoạn hiện nay phải tập trung đầu tư cho hạ tầng du lịch - dịch vụ. Trước mắt, phải quy hoạch, sắp xếp lại, đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng các bãi tắm từ Thuận An đến Vinh An. Trước đây chỉ có 1 đường nhỏ ra bãi tắm biển Phú Diên, nay mới đầu tư thêm, có 2 đường rộng rãi, có dải phân cách ở giữa, khang trang. Những bãi tắm biển khác cũng đã được phân bổ nguồn lực, đang bắt đầu mở rộng đường, mở bãi giữ xe…, đầu tư nâng cấp hạ tầng, để thúc đẩy dịch vụ du lịch biển”, ông Nguyễn Văn Chính cho biết.
Nhiều dự án (DA) lớn đã được xúc tiến triển khai đầu tư tại những xã vùng biển trên địa bàn huyện, như: DA Khu nghỉ dưỡng cao cấp xã Vinh Thanh và Vinh Xuân của Công ty CP Tập đoàn BRG với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng; DA Hue Amusement & Beach Park có tổng vốn đầu tư 1.060 tỷ đồng, quy mô đầu tư 1.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao, 93 biệt thự cao cấp và các tổ hợp dịch vụ khác trên diện tích 49,5 ha tại địa bàn 2 xã Vinh An và Vinh Thanh.
Để thực hiện rốt ráo việc phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch biển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, các nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động của huyện nhấn mạnh, tập trung chỉ đạo, trong đó tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến đầu tư phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch biển nói chung, các DA khu nghỉ dưỡng cao cấp Thuận An, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn (Phú Thuận), khu du lịch biển Phú Diên (nói riêng), được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Chính cho hay, đã có nhà đầu tư đến đầu tư khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn. Hiện, đang làm công tác kiểm kê, thỏa thuận với dân, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nằm trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, việc xây dựng các làng nghề, cụm công nghiệp để bổ trợ cho dịch vụ sau khi đánh bắt thủy, hải sản được quan tâm. Theo đó, Phú Vang đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp tại Phú Diên, trong tương lai không xa là “thủ phủ” chế biến thủy sản, các loại mắm, ruốc, sửa chữa đóng mới tàu thuyền...
Bài, ảnh: Quỳnh Anh