Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, kết quả thăm dò do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành gần đây cho thấy, 93% ý kiến người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. (Nguồn: TTXVN)
Mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt
Chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 tổ chức ngày 12/12/2020 tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng cho biết: “Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
Lòng tin của nhân dân lên cao vì đã thấy những kết quả và hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội do kết quả của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt trong nhiệm kỳ qua. Tổ chức minh bạch quốc tế cũng đánh giá: Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 96 trong số 180, tăng 27 bậc so với năm 2012, trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thông báo: Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Nhiệm kỳ XII, Đảng đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, với nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm. Chính điều này có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
“Chống” cùng với “xây”, răn đe cùng với giáo dục
Đảng đã xác định, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ. Phòng chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Điều được Đảng nhấn mạnh là luôn luôn cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, quyết liệt của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng. Cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ðồng chí bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” (Hồ Chí Minh, Sửa đổi lối làm việc,1947). Công tác phòng chống tham nhũng phải hướng đến con người, cụ thể là đảng viên, cán bộ, trong đó việc xiết chặt kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ phải nhấn mạnh sẽ có “hiệu quả kép”, chúng ta sẽ vừa có cán bộ tốt, vừa có bộ máy tốt.
Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Ðảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Ðảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần tích cực, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề dư luận bức xúc, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính công, tài sản công, đầu tư công, mua sắm tập trung; các dự án BT, BOT, dự án sử dụng vốn ODA…
Trong chặng đường phòng chống tham những trước mắt, Đảng xác định quyết tâm tập trung đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; giám sát, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực được thực hiện công khai, minh bạch, không bị lợi dụng, lạm dụng; hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới... Tất cả để đạt “bốn không” với mỗi cán bộ đảng viên - không thể, không dám, không cần và không muốn tham nhũng.
Thiên Phương