Hỏi chuyện, mới hay, đó là bộ sưu tập chị đã cất công thu thập, lưu giữ hàng chục năm qua. Có những món đồ mà thời bao cấp khó khăn, khi đang du học tại Đức, liên lạc thư từ về nhà, chị chỉ dặn mạ một điều: Giữ cho con mấy chiếc áo dài.

Ngoài những hiện vật được gia đình chị - vốn là một danh gia vọng tộc triều Nguyễn - cất giữ, có những chiếc áo dài chị tìm cách mua lại, gìn giữ để chúng khỏi thất tán. Rồi chị tìm về những cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, để học cách người xưa vấn khăn vành. Nói về cuộc triển lãm được ấp ủ từ rất lâu ấy, chị bảo, để chiếc áo dài được chú ý hơn.

Từ Huế ra đi. thành danh tại Đức, giờ T.S Thái Kim Lan lại muốn trở về Huế với nhiều dự định. Một trong những dự định ấy là giữ lại một con đường đẹp cho Huế, trên nền những ngôi nhà cổ may mắn còn sót lại bên phố Bạch Đằng. Chị bảo, đó là con đường đẹp nhất của Huế, với bóng những cây si cổ thụ mơ màng thả những chùm rễ um tùm xuống mé sống. Chị hối hả làm việc, như thể sợ nếu chậm hơn, những ngôi nhà cổ đã ọp ẹp ấy không còn thời gian để chờ đợi.

Rồi chị thương nhớ về cái bến cảng Thanh Hà xưa ở Bao Vinh. Ở đó, tỉnh từng có một dự án bảo tồn cảng cổ, những dãy nhà cổ mà chỉ cần đặt chân đến đó, đã thấy hồn lâng lâng một vẻ đẹp cổ kính, mơ màng và thoáng đạt. Không còn nhiều nhưng cái cổ xưa còn rớt lại cũng đủ cho những ai nặng lòng với vốn xưa thổn thức.

Huế đang phát triển. Huế đang dần hiện đại, như một sự khao khát được trở mình. Nhưng với những người đã chạm đến, đã trằn mình trong môi trường hiện đại, lạ thay, họ lại muốn trở về, để níu giữ những giá trị truyền thống xưa cũ.

Đúng như một học giả từng nói về Huế: Với những gì đã có trong qúa khứ về văn hóa, về kiến trúc, về không gian đô thị, Huế cứ hãy giữ gìn, đi lên từ vốn cổ ấy mà không cần phải vay mượn một thứ gì khác.

Kim Oanh