Tại dịp lễ khánh thành thông xe Hầm Hải Vân 2 vào 11/1/ 2021

Trước đó, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả xác nhận chỉ mở cửa 20 ngày trước và sau Tết Nguyên đán nhằm phục vụ người dân đi lại thuận lợi hơn.

Nguyên nhân chính là do trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính do khối lượng vốn cần thực hiện cho dự án rất lớn dẫn đến bị động và gián đoạn. Đó là phần vốn ngân sách Nhà nước cam kết đóng góp vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân. Tình trạng tranh chấp trạm thu phí phía bắc Hải Vân đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư ước tính 486 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án so với hợp đồng đã ký đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hơn 186 tỷ đồng.

Theo ông Nam, phía Tập đoàn Đèo Cả đã có kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GT&VT) và các đơn vị liên quan xem xét, chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của dự án. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ GT&VT cùng các bên liên quan cần xác định rõ thời gian, các bước xử lý cụ thể để làm cơ sở cho việc sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại trên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hầm Hải Vân 2 tiếp tục vận hành khai thác đáp ứng nhu nhu cầu giao thông đi lại thuận tiện của người dân trong khu vực và cả nước.

Hầm Hải Vân 2 có chiều dài 6,2km (chiều dài tuyến 12,4km bao gồm cả đường dẫn) là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á. Trong 20 ngày thông hầm Hải Vân 2 vào dịp Tết Tân Sửu vừa qua, bình quân mỗi ngày có khoảng 11.000 đến 14.000 lượt xe qua lại. Do vận hành cả 2 ống hầm nên đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến. Tình trạng ùn tắc giao thông không còn, vận tốc trung bình của các xe tăng khoảng từ 45km/h lên 65km/h. Thời gian trung bình các phương tiện qua hầm giảm từ khoảng 15 phút xuống chỉ còn khoảng 6 phút, không còn xảy ra các tình huống gây ùn tắc kéo dài như trước đây.

Tin, ảnh: Minh Văn