Tỷ lệ huy động ngân sách của tỉnh thấp so với cả nước (ảnh minh họa). Ảnh: Linh Đan

Thứ nhất là tỷ lệ huy động ngân sách. Trong giai đoạn nói trên, tỷ lệ huy động ngân sách/GRDP của Thừa Thiên Huế vào dạng thấp so với cả nước. Theo số liệu thống kê, tính từ năm 2016-2019, tỷ lệ huy động ngân sách/ GRDP dao động từ 15,9 -16,3%. Nói chung, nó thường xuyên nằm quanh vùng 16%. Nói cao hay thấp thì phải có con số so sánh. Tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế hàng năm cao hơn trung bình cả nước, tức là đứng ở tốp giữa và cũng thuộc vào hàng khá của vùng Duyên hải miền Trung (GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3). Tỷ lệ huy động ngân sách so với GDP của cả nước nằm ở vùng 23-24%/GDP (như năm 2016-2017). Năm 2017, Thừa Thiên Huế thu ngân sách được 7.052 tỷ đồng, bằng 16,3% GRPD, thấp hơn nhiều so với cả nước. Năm 2020 thu ngân sách 8.900 tỷ đồng.

Thu thuế thì có nhiều nguồn, như hoạt động sản xuất kinh doanh (thường chia làm 3 khu vực vốn: Nhà nước, đầu tư nước ngoài, khu vực tư nhân); thu từ phí và lệ phí; từ thuế tài nguyên; viện trợ… Đối với Việt Nam, tỷ lệ huy động ngân sách đến 24%/GDP nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội cách đây mấy năm, cho rằng, tỷ lệ huy động này còn thấp hơn so với nhiều nước. Xét trong mối tương quan ấy, thì thu ngân sách so với GRDP ở tỉnh ta quá thấp (14– 16%).

Vì sao tỷ lệ huy động được thấp?

Lý do đầu tiên lý giải có sức thuyết phục nhất là quy mô và hoạt động của nền kinh tế còn nhỏ và kém hiệu quả. Điều này xem ra phù hợp với thực tế. Thu ngân sách thường chủ yếu là từ hoạt động kinh tế. Thế nhưng quy mô doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế còn quá nhỏ bé. Giai đoạn nói trên, thu từ khu vực hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm gần 60% tổng thu ngân sách. Nhưng vì quy mô doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất ít doanh nghiệp được xếp vào quy mô vừa nên tổng thu ngân sách từ hoạt động kinh tế không cao. Để “bù đắp”, may là có thuế từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khoảng 3 năm gần đây, nguồn thu từ quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng thu. Sau một chu kỳ, tạm gọi là “đóng băng” kéo dài hơn 10 năm, bỗng nhiên từ năm 2018 -2020 đất bắt đầu tăng giá và có những thời điểm tăng nóng. Đây là một yếu tố thúc đẩy các dự án bất động sản phát triển và kéo theo làm tăng nguồn thu. Một số dự án lớn trong và ngoài nước được đầu tư và triển khai cũng góp phần cho “lực đẩy” này. Tuy nhiên, có một điều, chưa ai biết trước nguồn thu này có ổn định và bền vững hay không, bởi hiện tại có nhiều dấu hiệu cho thấy các giao dịch đất có phần chững lại. Theo quy luật, giá bất động sản thường biến động theo chu kỳ. Có khi nó kéo dài nhiều năm, thậm chí hơn 10 năm. Vì vậy, làm sao thúc đẩy nguồn thu từ khu vực kinh doanh là một đòi hỏi quan trọng cho việc ổn định nguồn thu ngân sách. Song xem ra bài toán này không dễ giải với một nền kinh tế mà quy mô doanh nghiệp còn nhỏ!? Có lẽ còn nhiều năm nữa chúng ta vẫn chưa cải thiện được điều này!? Điều kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng cũng như nguồn thu chính là thu hút đầu tư (cả trong và ngoài nước).

Tỷ lệ huy động ngân sách/GRPD thấp là từ nguyên nhân như vừa nêu, tức là quy mô hoạt động kinh tế còn nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhưng rất có thể còn một nguyên nhân nữa, đó là thất thoát nguồn thu!?

Cần khẳng định rằng, hoạt động quản lý và thu thuế ngày càng được cải thiện, thuận lợi hơn rất nhiều cho hoạt động kinh tế của người dân và doanh nghiệp. Song với  cách thu thuế như hiện nay, chúng ta không loại trừ tình trạng thất thu.

Hiện nay, có hai cách thu thuế chính là tính trên giá trị hóa đơn (đối với hoạt động của doanh nghiệp) và tính trên thuế khoán. Thuế tính trên giá trị hóa đơn là tương đối chính xác nhưng vẫn có những hiện tượng hợp lý hóa chứng để giảm nộp thuế (ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp). Đối với thuế khoán thì chúng ta rất khó để nói rằng mọi mức khoán đều hợp lý một trăm phần trăm. Nếu mức khoán đánh giá thấp hơn doanh thu thì dẫn đến tình trạng thu thấp (hay nói cách khác là thất thu). Có một một lĩnh vực như khai thác khoáng sản (đất, cát, ti tan…) nếu quản lý không chặt chẽ thì còn dễ thất thu hơn nữa. Và không có ai dám khẳng định rằng, chúng ta đã quản lý chặt chẽ 100%?

Tuy nhiên, mọi cái đều có tính hai mặt của nó. Nếu tỷ lệ huy động ngân sách/GRDP thấp nhưng hợp lý hoặc tương đối hợp lý thì nó có ý nghĩa tạo điều kiện hoạt động của doanh nghiệp cũng như “nuôi dưỡng” nguồn thu.

Nguyên Lê