Học sinh nghỉ học sau tết đã giảm hẳn (ảnh minh họa)

Chừng 5 - 7 năm trước, nhiều giáo viên chủ nhiệm bồn chồn âu lo khi ra tết khi học sinh lại bỏ học để “Nam tiến”. Mỗi khi học sinh “kéo dài ngày xuân”, giáo viên lại vất vả vận động đến lớp cũng như bồi dưỡng lại kiến thức sau khi các em trở lại trường. Có khá nhiều lý do, nhưng chung quy vẫn là do học sinh có học lực yếu, trung bình theo bố mẹ, người thân ngược xuôi mưu sinh. Một số em hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn. Một số em nghỉ học đi làm để kiếm tiền tiêu xài hoặc phụ giúp gia đình.

Đáng mừng là sau kỳ nghỉ tết này, tại Trường tiểu học Thượng Quảng (Nam Đông), học sinh đến trường đông đủ. Trường có đến 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước đây, nhiều em sớm trở thành lao động trong nhà do sức học yếu. Phụ huynh thường làm nghề cạo mủ cao su và thợ nề nên đi làm xa hoặc đi sớm về muộn nên việc đưa đón con gặp khó khăn.

Đã có thời gian, giáo viên cứ thấp thỏm không yên khi các em nghỉ học sau tết. Thế nên, giáo viên đứng lớp đã nghĩ ra cách mỗi khi học sinh không đến đủ, họ sẽ báo cho phòng giáo vụ. Ở đây, từ bảo vệ, giáo viên bộ môn đến hiệu trưởng, những người không đứng lớp sẵn sàng đến từng nhà để chở các em đến lớp. “Có em, bố mẹ có ý định cho nghỉ học vì học yếu hoặc theo người thân vào Nam, ra Bắc để  giúp việc gia đình. Giáo viên chủ nhiệm đã can thiệp kịp thời nên vận động các em quay lại lớp học”, thầy giáo Đặng Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Quảng cho hay.

Huyện A Lưới hiện có 48 cơ sở giáo dục với khoảng 12.000 học sinh các cấp; trong đó, hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, như Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Vân Kiều… Giáo viên đã liên hệ với  già làng, trưởng bản, nhắc nhở các em đến lớp nên xóa dần tình trạng học sinh bỏ học.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho biết, nhiều trường quyên góp cho quỹ “Giúp bạn nghèo” giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo bà Hương, “do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc quan tâm đến con em mình chưa thấu đáo. Một số gia đình khoán trắng việc học tập cho nhà trường, thế nên giáo viên phải chủ động về tận gia đình học sinh để kêu gọi các em đến trường".

Có rất nhiều cách làm hay của các trường để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Đối với những học sinh học yếu có nguy cơ bỏ học, cần sớm giúp đỡ kịp thời, thầy cô nên tập hợp các em lại để phụ đạo xóa yếu cho các em ngay từ đầu năm học. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được các tổ tư vấn tâm lý học đường trong trường học có kế hoạch giúp đỡ bằng việc kêu gọi các nhà hảo tâm đỡ đầu. Hàng tuần, tổ tư vấn mời những em có nguy cơ bỏ học đến động viên, hỏi thăm và phối hợp với các đoàn thể để giúp sức học sinh nghèo.

Công tác chủ nhiệm lớp được làm tốt, giáo viên nắm chắc tư tưởng, hoàn cảnh của từng em học sinh; từ đó, có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, ngăn ngừa việc bỏ học nên tình trạng bỏ học. Thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Điền (TX. Hương Trà) cho biết: Hiện, có 4 học sinh đang có ý định bỏ học để đi làm ăn, phụ giúp gia đình. Lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, động viên, vận động gia đình, thuyết phục học sinh không bỏ học.

Hiếm có trường hợp nào nghỉ học vì kinh tế gia đình khó khăn. Khẳng định của lãnh đạo ngành giáo dục ở các huyện, thị xã và thành phố hoàn toàn có cơ sở. Các họ tộc ở các địa phương có quỹ khuyến học, khuyến tài để sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em đến lớp. Đặc biệt trong các đợt bão lụt vừa qua,  ngành giáo dục phát động các tổ chức, cá nhân huy động sách vở, áo quần... giúp học sinh ở các xã miền núi, xã bãi ngang, ven biển… để các em bớt lo toan với gánh nặng gia đình. 

Bài, ảnh:  Huế Thu