Trẻ em vui chơi trong một trường học ở New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Dựa trên một nghiên cứu mới, UNICEF cho biết, hơn 330 triệu trẻ em đã bị mắc kẹt ở nhà trong ít nhất 9 tháng, kể từ khi virus lây lan không kiểm soát vào thời điểm này năm ngoái. Điều đó khiến các trẻ em cảm thấy bị cô lập và lo lắng về tương lai. Qua đó, phát ngôn viên của UNICEF James Elder nói rằng, các quốc gia cần phải thoát khỏi đại dịch này “với một cách tiếp cận tốt hơn đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên, và điều đó có thể bắt đầu chỉ bằng cách dành sự chú ý đến vấn đề này”.

Theo UNICEF, 1/2 trên tổng số các chứng rối loạn tâm thần phát triển trước độ tuổi 15, và phần lớn trong số 800.000 người tử vong do tự tử hàng năm là dưới độ tuổi 18.

Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore cho rằng, khi ngày này qua ngày khác, “bạn phải xa cách bạn bè và những người thân yêu ở xa, thậm chí có thể bị mắc kẹt ở nhà với những kẻ bạo hành, thì tác động là rất lớn”. Những trẻ em nằm trong các nhóm dân số dễ bị tổn thương, như những trẻ sống và lao động trên đường phố, trẻ em khuyết tật và trẻ em sống trong môi trường xung đột có nguy cơ hoàn toàn bị bỏ qua các nhu cầu về sức khỏe tâm thần.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý, đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hoặc tạm dừng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần quan trọng ở 93% các quốc gia trên toàn thế giới, trong khi nhu cầu đối với hỗ trợ sức khỏe tâm thần đang ngày càng tăng.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ UN News)