Ngành hàng không cần đổi mới để hoạt động trong thời kỳ hậu đại dịch. Ảnh minh họa: Nhân dân Điện tử

Đơn cử, sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta của Mỹ, nơi có lượng hành khách đến và đi đông nhất thế giới là 110,53 triệu lượt vào năm 2019, đến năm 2020, con số này giảm xuống còn 42,92 triệu lượt, tức giảm 61,2% vào năm 2020.

Mặt khác, tại Trung Quốc, doanh thu từ hành khách đi đường hàng không trong nửa đầu năm 2020 đã giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019, khiến ngành hàng không nước này tổn thất 74,07 tỷ USD. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt được chính quyền nước này triển khai, ngành hàng không trong nước đã chứng kiến hoạt động tăng trở lại vào nửa cuối năm, mức thiệt hại giảm xuống còn 36,6%.

Vì đại dịch vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả trên toàn thế giới, ngành hàng không cần triển khai một số biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Trước mắt, các hãng hàng không và sân bay cần tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng chống đại dịch để hạn chế sự lây lan của COVID-19, đồng thời ưu tiên cao nhất cho sức khỏe của khách hàng, nhất là bởi vì niềm tin của thị trường hàng không được xây dựng trên nền tảng của sự an toàn.

Ngoài ra, trong khi cung cấp một môi trường tương đối an toàn, giảm nguy cơ nhiễm bệnh, ngành hàng không cùng lúc cũng thực hiện các biện pháp giảm chi tiêu, tăng thu nhập.

Đối với việc giảm chi phí khai thác, các sân bay nên đánh giá lại mức độ hoạt động, đóng cửa một số đường băng, sân đỗ, nhà ga... nếu cần thiết. Giảm đầu tư vốn không cần thiết cũng cần được xem xét.

Để tăng thu nhập, các sân bay có thể tính đến phương án chuyển một phần nhà ga thành siêu thị hoặc điểm du lịch để trang trải một số chi phí hoạt động, trong khi ngành hàng không nên xem xét thúc đẩy hoạt động phi hàng không...Điều này cũng giúp thúc đẩy kinh tế địa phương.

Tất cả những yêu cầu này đòi hỏi sự hợp tác giữa các sân bay, cửa hàng, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý hàng không.

Về lâu dài, giãn cách xã hội có thể trở thành chuẩn mực. Do đó, các sân bay cần xem xét đến vấn đề giữ khoảng cách và thiết kế lại các quy trình, bao gồm cả kiểm tra an ninh.

Cần phải công nhận rằng, hợp tác giữa các quốc gia và khu vực là điều cần thiết để thiết lập tiêu chuẩn đánh giá và hệ thống đánh giá rủi ro COVID-19 chung, như cho phép hành khách di chuyển tương đối tự do từ các khu vực an toàn nhưng hạn chế khả năng di chuyển của hành khách từ các khu vực có rủi ro. Các yêu cầu này có thể được áp dụng bằng cách sử dụng mã y tế cho các quốc gia và khu vực khác nhau.

Mặc thiệt hại nặng do đại dịch COVID-19 nhưng ngành hàng không hoàn toàn có thể biến đây thành cơ hội bằng cách sử dụng các biện pháp, phương tiện sáng tạo. Để đạt được điều này cần sự hỗ trợ của các chính phủ và các ngành khác. Với nỗ lực của tất cả các bên liên quan, ngành hàng không có thể “cất cánh trở lại” trong thời kỳ hậu đại dịch.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Khmer Times)