Đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng là thách thức cho các nước đang phát triển. Ảnh minh họa: AFP/Báo Lao động

Miễn dịch cộng đồng đề cập đến tình trạng một căn bệnh không thể lây lan dễ dàng trong một quần thể bởi vì hầu hết mọi người đã trở nên miễn dịch với bệnh nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh này trước đó. Theo bà Armida Salsiah Alisjahbana, cần 60% - 70% dân số phải được tiêm chủng để đạt được mục tiêu này.

“Tôi nghĩ đó là một thách thức khá lớn. Nếu chúng ta xem xét dữ liệu từ trước đến nay thì tốc độ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng là khá thấp, ngoại trừ một số nước tiên tiến. Mặc dù một số nước tiên tiến đã đặt hàng vaccine và những quốc gia khác thậm chí còn có sẵn nguồn cung, nhưng việc triển khai trên thực địa lại khá chậm”, bà Armida Salsiah Alisjahbana trả lời phóng viên báo CNBC.

Ngoài ra, cũng còn tồn tại một số thách thức khác cản đường hướng đến thành công của chương trình tiêm chủng.

Theo bà Armida Salsiah Alisjahbana, nguồn cung không kịp thời, tài chính hạn chế và cơ sở hạ tầng hậu cần kém là những trở ngại cản trở các nước đang phát triển. Tiếp cận công bằng, tức phân phối vaccine công bằng đến những người cần tiêm chủng lại là một thách thức khác.

Các quốc gia giàu có đã mua vaccine và đặt một lượng lớn vaccine để tiêm chủng cho người dân. Điều này khiến các nước nghèo phải xếp hàng chờ đợi. Nhiều nước trong số đó thậm chí không đủ kinh phí để mua đủ số vaccine cần thiết.

Nữ lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự giúp đỡ từ COVAX, nhưng nguồn cung hiện tại vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, bà Armida Salsiah Alisjahbana cũng lưu ý rằng tiến trình sản xuất vaccine đang tăng tốc và nhiều loại vaccine cũng đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan chức năng phê duyệt.

“Trong những tháng tới, tôi hi vọng chương trình tiêm chủng sẽ được đẩy nhanh, kể cả ở các nước đang phát triển”, bà Armida Salsiah Alisjahbana chia sẻ, trong đó chương trình tiêm chủng nên được đẩy mạnh vào cuối năm nay và tăng tốc hơn nữa vào năm 2022.

Nếu các quốc gia có thể nhất quán và tăng tốc độ triển khai tiêm chủng cho các nhóm nguy cơ cao và những người lao động thiết yếu thì các nền kinh tế và biên giới có thể bắt đầu mở cửa trở lại. Những hoạt động như du lịch, dòng chảy hàng hóa, dòng người có thể lưu thông trở lại.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)