Giá xăng dầu được niêm yết ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Giá dầu thô và kim loại tăng cao đã dẫn đến giá bán của các sản phẩm hóa chất và các sản phẩm có nguồn gốc từ thép cao hơn. Sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ, cũng như sự gián đoạn trong hoạt động vận tải hàng hải cũng thúc đẩy giá bán buôn tăng lên.

Nhìn vào những con số về giá hàng hóa doanh nghiệp hoặc chỉ số giá sản xuất hiện tại ở các nền kinh tế như Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia ở khu vực châu Âu, có thể thấy mức tăng khoảng 1% ở Nhật Bản và Vương quốc Anh, 2% ở Mỹ và Đức, khoảng 3% ở Nga, và khoảng 4% ở Pháp, kể từ mùa thu năm ngoái.

Đáng chú ý, chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp ở Mỹ, Đức, Nga, và Pháp đã vượt mức được ghi nhận vào tháng 1/2020, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Sự gia tăng của giá dầu là yếu tố hàng đầu thúc đẩy các chỉ số này đi lên. Việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 và các gói kích thích kinh tế ở nhiều quốc gia khác nhau đã làm tăng kỳ vọng về sự phục hồi của nhu cầu dầu mỏ. Trong khi đó, các quốc gia sản xuất dầu lớn tiếp tục phối hợp trong việc cắt giảm sản lượng. Các nhà đầu tư cũng đặt cược vào thị trường hàng hóa, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ.

Ngoài ra, đợt giá rét nghiêm trọng xảy ra ở tiểu bang Texas của Mỹ vào giữa tháng 2 vừa qua đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trong tháng 3, chỉ số giá phải trả của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia (là hiệu số của tỷ lệ phần trăm người được hỏi cho biết giá tăng, trừ đi tỷ lệ phần trăm người được hỏi cho biết giá giảm) đã tăng mạnh lên 75,9 điểm, từ mức 54,4 điểm trong tháng trước đó. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/1980.

Ông Yoshimasa Maruyama, thuộc Công ty Tài chính SMBC Nikko Securities nhận định: "Tình trạng mất điện ở tiểu bang Texas do đợt giá rét gây ra đã khiến các nhà máy chất bán dẫn, nhà máy lọc dầu và các nhà máy hóa dầu phải ngừng hoạt động, điều này càng làm thu hẹp nguồn cung nguyên liệu".

Mặt khác, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, giá giao dịch của polypropylene (một loại polymer nhiệt dẻo được sử dụng trong nhiều ứng dụng, bao gồm bao bì, dệt may và phụ tùng ô tô) ở châu Á đã tăng hơn 10% so với đầu năm nay. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt nhựa resin ở châu Âu.

Trong một động thái liên quan trước đó vào tháng 2, ông Paul Jacobson, Giám đốc Tài chính của Hãng sản xuất ô tô General Motors đã có nhận định về triển vọng cho năm tài chính kết thúc vào tháng 12/2021, ông cho rằng: "Chúng tôi kỳ vọng giá hàng hóa sẽ là một "cơn gió ngược" đáng kể, vì giá thép và kim loại nhóm bạch kim đã chứng kiến mức tăng mạnh trong những tuần và tháng gần đây". Giá mua các kim loại nhóm bạch kim đã tăng 2,2 lần kể từ tháng 5/2020, khiến chi phí hàng năm tăng hàng tỷ USD.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei Asia)