Học sinh tại Trường tiểu học Hương Hữu (Nam Đông) được học tập trong môi trường thân thiện. Ảnh: MN

Hội Khuyến học Nam Đông sớm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 - CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Hội tham mưu UBND huyện có quyết định củng cố Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp xã; đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá hằng năm và đề nghị UBND huyện ban hành quyết định công nhận “Cộng đồng học tập cấp xã”.

Luôn được cấp hội từ huyện đến cơ sở quan tâm, hoạt động xây dựng xã hội học tập vững mạnh đã đóng góp thiết thực vào việc đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Qua phong trào, Nam Đông hiện có trên 50% gia đình được bầu chọn danh hiệu  “Gia đình học tập”; khoảng 80% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; trên 90% đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.  

Hương Giang là xã nhiều năm liền được công nhận “Cộng đồng học tập”. Đây là địa phương nổi tiếng cả nước với mô hình “Tiếng kẻng khuyến học”. Nhằm duy trì sự học, không để con em phải bỏ học giữa chừng nên chính quyền thôn Thuận Hòa đã lập ra ban “Chăm lo sự nghiệp giáo dục” với mô hình “Tiếng kẻng khuyến học”. Cứ vào tầm 7g tối mỗi ngày (trừ mùa hè), cán bộ trong ban đánh một hồi kẻng để báo cho các em học sinh đến giờ học bài… Nhờ thế, các em ý thức được việc học, nhiều em có gia cảnh khó khăn cũng đã nỗ lực vươn lên học giỏi.

Ông Phan Chuyển, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hương Giang chia sẻ kinh nghiệm, phải hết sức chú trọng thực hiện hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập. Theo ông Chuyển, đây không phải là công việc mới nhưng nếu thiếu quan tâm, không tập trung lãnh, chỉ đạo thì khó đạt kết quả tốt. Hội Khuyến học phải tham mưu để xây dựng kế hoạch hằng năm rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể, chặt chẽ, đặc biệt phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Hội Khuyến học Nam Đông luôn chú trọng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ và Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng xã hội học tập. Hằng năm, hội phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện tổ chức tập huấn cho cán bộ từ huyện đến cơ sở; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành liên quan tham mưu UBND huyện đánh giá, xếp loại “cộng đồng học tập” cấp xã hằng năm và theo dõi, chỉ đạo các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động.

Đặc biệt, trong các năm từ 2017 đến 2019, Hội Khuyến học Nam Đông phối hợp với Huyện đoàn và Hội Chữ thập đỏ huyện tổ chức cấp phát hơn 500 suất cơm, 2.000 hộp sữa, 500 chiếc bánh miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh dân tộc thiểu số trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Thực tiễn ở Nam Đông cho thấy, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy địa phương, được tạo điều kiện thuận lợi từ phía chính quyền các cấp, sự nhiệt tình tham gia của các đơn vị cơ quan, họ tộc và các tầng lớp Nhân dân, không thể thiếu được việc liên kết trong phong trào xây dựng "cộng đồng học tập".

THU HUẾ