Du khách tham quan sản phẩm làng nghề đệm bàng Phò Trạch (Phong Bình)
Ông Trần Văn Nghệ (SN 1949), người dân xã Phong Hòa (Phong Điền) nhớ lại: Thời chiến tranh chống Mỹ, ông là du kích thôn và sau đó gia nhập Trung đoàn 6, bộ đội chủ lực.
Theo sự phân công của cấp trên, ông cùng với đồng chí Đoàn Thắng, Trần Văn Ngợi bám trụ địa bàn Phong Hòa, xây dựng cơ sở tại đây. Thời kỳ đó, Phong Hòa chỉ là một vùng cát trắng bị địch tạm chiếm, xây dựng đồn bốt. Cơ sở cách mạng được xây dựng ở vùng rú cát, làm căn cứ địa và về đồng bằng hoạt động vào đêm tối. Khi nào địch mở các cuộc càn quét thì quân ta lại vượt sông Ô Lâu để trú ngụ. Dòng Ô Lâu chính là vật cản, ngăn những đợt càn quét của địch.
Theo ông Hồ Viết Dũng, Trưởng thôn Hòa Viện (Phong Bình, Phong Điền), thời kỳ chiến tranh, dọc sông Ô Lâu khoảng 1km chỉ có 60 hộ dân sinh sống kéo dài từ chợ Ưu Điềm đến đầu thôn Hưng Nhơn (Hải Phong, Quảng Trị). Dòng Ô Lâu rất thuận lợi cho cán bộ hoạt động cách mạng. Từ đây, quân ta có thể đi từ Quảng Trị về Thừa Thiên Huế và ngược lại. Biết được điều này, Mỹ ngụy đã cho ném bom xuống dòng Ô Lâu nhằm ngăn chặn sự hoạt động của cách mạng.
Theo lời kể của nhiều nhân chứng, dòng Ô Lâu góp công sức lớn trong các cuộc kháng chiến. Ngoài ngăn chặn các cuộc càn quét của kẻ thù, dòng Ô Lâu còn là đường thủy thuận lợi giúp quân ta thu gom, vận chuyển lương thực, thực phẩm vào đêm tối. Vùng đất dọc sông Ô Lâu bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng thiết yếu hầu như không có gì.
Hòa bình lập lại, chính quyền địa phương cùng người dân bắt tay dần khôi phục lại sản xuất, phát triển kinh tế. Vùng đất bên dòng Ô Lâu từng bước có sự đổi thay. Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, góp phần giao thương, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như cầu Hải Hòa, kè chống sói lở sông Ô Lâu, nhà máy nước sạch Hòa Bình Chương, đập giữ nước, ngăn mặn Cửa Lác và các đập tưới tiêu trên địa bàn như: đập Mỹ Xuyên, đập Thiềm, đập Ông Môi, đập Niêm, đê Hói Hà, đê Đồng Tây Ô Lâu, hệ thống điện chiếu sáng.
Cầu Hải Hòa là cầu duy nhất nối 2 bờ sông Ô Lâu được xây dựng vào năm 2000, góp phần thông thương, tạo sự đi lại của người dân xóm Đình, xóm Chùa, thôn Hòa Viện (Phong Bình) phía tỉnh Quảng Trị qua sông Ô Lâu; đồng thời giúp cho việc lưu thông hàng hóa từ Quảng Trị về và từ Thừa Thiên Huế sang.
Từ ngày cầu được hình thành, người dân phát triển thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ như: buôn bán hàng tạp hóa, vật tư xây dựng, vận tải, nuôi cá lồng, nuôi tôm…, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Nhà máy nước sạch Hòa Bình Chương đi vào hoạt động năm 2004, tạo điều kiện cho người dân sử dụng nước sạch sinh hoạt, ăn uống.
Sự đổi thay vượt bậc của các xã ven sông Ô Lâu là khi bắt tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, việc phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân được các xã ven sông Ô Lâu chú trọng. Tùy theo tiềm năng, lợi thế vùng miền, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, như: đề án nuôi bò lai sin, trang trại nông, lâm, thủy sản vùng cát kết hợp, mô hình cải tạo vườn tạp; trồng cây dược liệu, trồng rau an toàn; nuôi cá lồng; nuôi cá kết hợp trồng sen; trồng ném, trồng hoa…
Các ngành nghề truyền thống như: mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, đệm bàng Phò Trạch, đan lưới Vân Trình… dần được khôi phục và phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các xã tập trung phát triển loại hình thương mại dịch vụ trên tuyến Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ 6, đường liên xã, liên thôn, khu quy hoạch thị tứ Ưu Điềm, khu quy hoạch thương mại dịch vụ Hòa Viện…; từ đó phát triển thêm các loại hình dịch vụ mới bên cạnh các loại hình dịch vụ trước đây, thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.
Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết, sau 10 năm xây dựng NTM, năm 2019, Phong Hòa đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự chung sức đồng lòng của người dân. Trong đó, ngoài nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện, xã, người dân đã hiến 11.000m2 đất, hơn 2.560 ngày công, cây cối, tài sản trên đất và hơn 7 tỷ đồng tiền mặt với tổng giá trị gần 13 tỷ đồng để mở rộng đường giao thông, các công trình phúc lợi, xây dựng NTM. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm, gấp gần 3 lần so với khi bắt tay vào xây dựng NTM. Hướng đến nâng mức thu nhập đầu người đạt trên 70 triệu đồng vào năm 2025.
Ông Lê Tấn Phanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho rằng, xây dựng NTM đã làm cho bộ mặt nông thôn Phong Bình khởi sắc. Đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng NTM và dự kiến hoàn thành chương trình này vào năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng và sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 2025 lên 60 triệu đồng.
Về các xã vùng ven sông Ô Lâu những ngày tháng 3, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay ở vùng quê này. Cuộc vận động người dân, doanh nghiệp chung tay xây dựng NTM đang tiếp tục được đẩy mạnh. Những xã đã đạt thì tiếp tục nâng cao các tiêu chí, xã chưa đạt thì tiếp tục triển khai thực hiện với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; hướng đến xây dựng Phong Điền trở thành thị xã vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Bài, ảnh: Hải Huế