Theo đó, đến năm 2025, cả tỉnh sẽ có khoảng 745ha sen, trong đó sen cao sản lấy hạt chiếm khoảng 85-90% diện tích và sen địa phương (sen Huế) chiếm từ 10-15% diện tích với sản lượng ước đạt từ 1.200-1.400 tấn hạt mỗi năm.
Với Huế, sen là cây trồng truyền thống, thậm chí, đã thành một thương hiệu gắn với sen Tịnh Tâm nổi tiếng cách đây hàng trăm năm, từ thời Nguyễn.
Ngày nay, nhiều sản phẩm từ sen trở thành đặc sản địa phương, từ món chè long nhãn bọc hạt sen trứ danh trong thực đơn ẩm thực, đến cơm gói lá sen, nón lá sen và gần đây là thương hiệu bánh Cung Đình làm từ hạt sen được hình thành, thiết kế mẫu mã bao bì hiện đại, trở thành thức quà đặc trưng được du khách lựa chọn khi đến Huế. Hay tại chợ Đông Ba-trung tâm thương mại lớn của Huế-một số sản phẩm như hạt sen khô xâu chuỗi, tim sen, mứt ngó sen... cũng là những đặc sản được ưa chuộng, chủ yếu phục vụ du lịch.
Tại một vài hội thảo về phát triển du lịch, các chuyên gia cũng từng hiến kế, Huế có thể đầu tư xây dựng sản phẩm văn hóa-du lịch gắn với sen. “Nhật có hẳn lễ hội hoa anh đào. Người ta đến đó để ngắm hoa, chụp ảnh với hoa, thưởng thức thực đơn sang chảnh được chế biến từ hoa, mua những bộ trang phục thêu hoa... Huế cũng hoàn toàn có thể khai thác tiềm lực cây sen bắt đầu từ thương hiệu sen Tịnh Tâm, lan tỏa đến ẩm thực, thời trang, hàng lưu niệm... như hoa anh đào của người Nhật”. Các chuyên gia đặt vấn đề.
Những gợi mở cho thấy, triển vọng không nhỏ khi sen được định hướng là cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp, từ tính ứng dụng rộng mở và biên độ lan tỏa của sen trong đời sống và dịch vụ.
Trên thực tế, vài năm gần đây, một số địa phương đã chuyển hướng trồng sen. Điển hình như huyện Phong Điền, hiện có hơn 346ha diện tích trồng sen, tập trung ở các xã Phong Hiền, Phong An, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Chương... Theo kế hoạch, đến năm 2025, Phong Điền sẽ có 500 ha trồng sen, chiếm hơn 50% diện tích trồng sen của cả tỉnh.
Với lợi nhuận gấp 5-7 lần trồng lúa, đến năm 2025, nhiều vùng đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả, mặt nước hoang, đất lúa một vụ, ao, hồ, sông, hói… sẽ được chuyển mạnh sang trồng sen, quy hoạch thành vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ, tạo nên các vựa sen trọng điểm ở Phong Điền, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền.
Cùng với mở rộng diện tích, các giải pháp bảo vệ nguồn gen, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu sen Huế... đang được các ngành chức năng đặt ra.
Sau những thất bại từ cây mía, cây ớt, cây dứa... từng được định hướng, đầu tư, đến nay, ngành nông nghiệp Huế gần như chưa tìm được cây trồng chủ lực có tính chi phối, dẫn dắt. Trên thực tế, một số cây trồng là thế mạnh của Huế như thanh trà, chuối già lùn, cam Nam Đông... hiện vẫn còn manh mún, quy mô diện tích nhỏ, lẻ, mỗi loại chỉ từ 100-200 ha.
Với dư địa lớn về đất đai, thổ nhưỡng, hy vọng cây sen sẽ trở thành cây trồng chủ lực, bền vững của Huế trong 5, 10 năm tới.
Không chỉ được biết đến như quả vải Lục Ngạn của Bắc Giang, quả xoài Cát Chu của Đồng Tháp, quả na (mãng cầu) của Lạng Sơn... sen Huế sẽ được nâng tầm về giá trị kinh tế khi trở thành sản phẩm đặc biệt, kết hợp với du lịch sinh thái-lễ hội-ẩm thực gắn với du lịch-được ví như thị trường xuất khẩu tại chỗ.
Nhật Nguyên