Nhưng, để kết tinh được những đặc sản kia, có ai biết, có ai có thể đếm đong bao nhiêu mồ hôi, tâm sức của biết bao thế hệ tiền nhân đã đổ xuống? Những đặc sản ấy đã cho thế hệ cháu con cơm ăn áo mặc; và hơn thế nữa, còn chung tay dệt nên nét văn hoá thâm trầm, lắng sâu rất riêng của Huế.

Huế, miền đất di sản. Huế, miền đất của tâm thức, của văn hoá đã lay động tâm hồn của bao tao nhân mặc khách. Và cho đến tận bây giờ, vẫn tiếp tục là miền đất thôi thúc bước chân của triệu triệu du khách vẫn hằng mong được một lần ghé tới…

Những thế hệ hậu bối như chúng ta, có bao giờ lắng lòng tự ngẫm, để thấy rằng mình đã rất diễm phúc; để thấy rằng mình cần phải rất nâng niu, trân quý với những gì mà tiền nhân đã tạo dựng, trao truyền? Nâng niu, trân quý không phải cho riêng chúng ta hôm nay, mà còn vì các thế hệ cháu con tiếp nối; và trên hết, còn vì để giữ gìn, để mãi mãi tôn vinh những giá trị vĩnh hằng của xứ sở Hương Bình…

Câu chuyện ứng xử của nhà may Chi, một hiệu may danh giá xứ Huế những ngày qua khiến cho những ai vẫn hằng thao thức với Huế không khỏi chạnh lòng. Để có thương hiệu ấy, hẳn cha anh của chủ nhân nhà may Chi đã phải rất nhọc công, rất tâm huyết mới tạo dựng được. Cái thương hiệu ấy giúp cho thế hệ cháu con của họ có được một cơ hội làm ăn, một kế sinh nhai sang trọng và nhàn nhã. Tiếc rằng cháu con của họ hình như đã không nhận ra để mà trân trọng, bồi đắp. Nhà may Chi bây giờ đã trở nên nổi tiếng hơn, nhưng ở giác độ hoàn toàn trái ngược. Chắc chắn rồi đây chủ nhân nhà may sẽ phải trả giá khi khách hàng quay lưng. Song, đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện làm ăn, không chỉ đơn thuần là chuyện riêng của nhà may Chi. Xa hơn, nó còn làm tổn hại hình ảnh của lối ứng xử, làm hao gầy một phần của nét đẹp văn hoá Cố đô. Và chính điều đó đã khiến những người vô can như tôi, như nhiều người khác nữa cứ mãi hoài ray rứt, hụt hẫng…

Hiền An