Nói hiện tượng lạ là vì, trong thời buổi kinh tế khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, thu nhập người dân khó khăn nhưng lại sao có hiện tượng “ngược đời này” ? Thử lý giải hiện tượng này ở mấy yếu tố sau:

Qua một thời gian kinh tế phát triển cao trong những năm trước đó, có năm mức tăng trưởng kinh tế đến 11- 12%, đã thúc đẩy và hình thành nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân Huế. Mặt khác, đó cũng là thời kỳ doanh nghiệp, người dân có tích lũy. Trước đây doanh nghiệp, người dân có thể đầu tư vào sản xuất, bây giờ hàng hóa tiêu thụ chậm, họ chuyển hướng đầu tư qua mảng dịch vụ. Đối với người tiêu dùng, khi chưa quá khó thì trong một mức độ nào đó họ vẫn duy trì thói quen tiêu dùng, đó là chưa nói đến nhu cầu tiêu dùng của xã hội ngày càng cao. Vậy là dịch vụ nở rộ.

Tuy phát triển không đồng đều nhưng rõ ràng có một bộ phận người dân ở khu vực nông thôn đã khá lên mà thành phố là nơi để họ tiêu tiền. Lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp ngày càng phát triển rất mạnh, và năm 2014 có mức tăng trưởng rất cao so với nhiều năm trước. Việc phát triển các khu công nghiệp ở một số huyện cũng tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận người dân, mà thường là những người trong độ tuổi có nhu cầu tiêu dùng cao. Một dòng tiền khác là từ kiều hối. Cách đây đã lâu, có một thông tin từ một lãnh đạo sàn giao dịch chứng khoáng ở Huế cho biết, nguồn kiều hối hàng năm chảy về Huế không dưới 300 triệu USD. Có thể nguồn tiền này đã góp thêm một phần vào phát triển dịch vụ ở Huế. Việc hình thành các trung tâm y tế, giáo dục; một trung tâm du lịch - lượng du khách đến Huế ngày càng nhiều cũng thúc đẩy dịch vụ phát triển. Chất lượng và quy mô dịch vụ là một vấn đề cần phải bàn nhưng rõ ràng số lượng dịch vụ đã có mức tăng đáng kể.

Nhưng chúng ta cũng có thể lý giải điều này ở một khía cạnh khác. Là một bộ phận người dân thiếu việc làm. Không có chuyện việc làm nhiều, có thu nhập mà lại “ngồi đồng” cả buổi ở quán cà phê. Tôi đã được nghe một chủ quán trên đường Lê Lợi kể, một số doanh nghiệp xây dựng bây giờ thiếu hoặc không có việc làm, chín mười giờ tới nhà hàng ngồi “gài độ”. Xong rồi ghi phiếu nợ ra về. Nhà hàng cũng khổ nhưng đành chấp nhận với hy vọng một lúc nào đó tình hình việc làm của doanh nghiệp được cải thiện.

Lê Phương