Trước cảnh sắc lung linh và mỹ miều, Joyce đã không kiềm được cảm xúc mà thốt lên: “Your hometown is so soft” (Thành phố của bạn thật “mềm mại”). Sau câu nói đó, cả hai chúng tôi đều cùng bật cười vì cách dùng từ sáng tạo của cô bạn. Để cảm thán về một địa danh, người ta thường dùng từ “beautiful” (đẹp), “marvelous” (tuyệt vời), majestic (hùng vĩ)... Joyce lại ấn tượng về sự “mềm mại” của Huế! Tôi hỏi Joyce sao lại dùng “soft” chứ không phải “tender”? Cô nàng bảo: “Soft nghe mơ màng và lãng mạn, hợp với thành phố của bạn hơn!”.

Phát hiện đặc biệt của Joyce khiến tôi phải dừng lại một chút để suy ngẫm. Ấn tượng đầu tiên của người nước ngoài về một địa danh so với một người đã sống ở đây mấy chục năm như tôi hẳn phải tươi mới và khách quan hơn. Vậy, sông Hương nói riêng và Huế nói chung, “soft” như thế nào? Tôi xin mượn những áng văn bất hủ của nhà văn nổi tiếng xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường để mở đầu câu chuyện:

“Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế.” (Ai đã đặt tên cho dòng sông).

Vẻ mềm mại của Huế ẩn chứa ở “chiếc lược ngà cài lên mái tóc” (cầu Trường Tiền), tạo nên nét chấm phá ngọt ngào, duyên dáng giữa dòng Hương Giang; những chiếc thuyền cong cong xuôi mái, kéo theo những đợt sóng nho nhỏ, lan tỏa khắp bốn bề sông nước. Phóng tầm mắt xa hơn đến bến Tòa Khâm là nhà hàng nổi sông Hương như một đóa thủy phù dung (hoa sen) khổng lồ bồng bềnh trên mặt nước, một ý tưởng kiến trúc đầy sáng tạo đặc biệt dành riêng cho Huế!

Nét mềm mại trên khung nón lá của cô gái Huế, trên chiếc vành xe đạp cong cong đưa các cô đến trường, trên những đường nét nữ tính ẩn dưới tà áo dài và nụ cười mỉm chi, phúc hậu, phong thái đài cát. Dù hình ảnh đó đã lùi xa trong quá khứ, nhưng trong tâm khảm của những kẻ ưa hoài cổ, đó vẫn là một “bức tranh” đẹp tuyệt vời!

Nét mềm mại trên chiếc lưới được ngư dân phá Tam Giang căng sức tung lên nền trời, những sắc màu của thiên nhiên quyện lẫn hài hòa, linh hoạt, sự tương phản đặc biệt giữa vùng sáng và vùng tối là niềm cảm hứng dạt dào và đề tài khai thác mãi không cạn của các nhiếp ảnh gia Việt Nam và quốc tế. Vẻ “mềm mại” của Huế không chỉ có trong trạng thái tĩnh mà còn ở trong khung cảnh lao động hăng say, tất bật.

Vẻ mềm mại trong tư duy kiến trúc, trên mái vòm vút cao nơi cửa Ngọ Môn đầy vương giả và kiêu hãnh; hay khung cửa cong cong, kín đáo của 13 chiếc cổng đi vào Thành nội; hay mới đây, một vòng cung nho nhỏ đã được xây dựng bên bờ sông Hương, bến Me tăm tối ngày nào trở nên sáng hơn, tươi vui hơn...

Vẻ mềm mại, thanh tao trong cách bài trí món ăn: không quá cầu kỳ, đơn giản nhưng lịch sự và mang đậm dấu ấn cung đình. Kỹ thuật tỉa hoa, củ, quả điêu luyện của các nghệ nhân đã tạo nên những con công, con phượng yêu kiều và đầy sức sống. Hương vị những món ăn thanh tao, kết cấu mềm mại nhưng vẫn mặn mà, khó quên.

Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, xin giữ mãi nét dịu dàng này cho Huế!

Lê Thục Đan