Dân số già hóa của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa: Người Lao động

Cụ thể, kết quả cuộc điều tra dân số kéo dài hơn 1 thập kỷ của Trung Quốc chỉ ra rằng, tính đến ngày 1/11/2020, dân số nước này đã tăng lên 1,4 tỷ người. Đây là tốc độ tăng trưởng dân số chậm nhất kể từ năm 1950.

“Xu hướng già hóa sẽ tiếp tục tăng. Đây là lời cảnh báo không chỉ với Trung Quốc mà còn cả với toàn thế giới, bởi Trung Quốc là cốt lõi của chuỗi cung ứng. Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ mất đi 70 triệu người trong tổng số lực lượng lao động của quốc gia. Bởi vậy, đây là cú sốc lớn đối với toàn cầu”, Raymond Yeung, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Ngân hàng ANZ trả lời phóng viên báo giới cho hay.

Một tác động khác cũng có thể sẽ xảy ra đối với thị trường tài chính, bởi tỷ lệ gửi tiết kiệm của Trung Quốc đã và đang hỗ trợ thị trường toàn cầu. Lý giải một cách rõ hơn rằng, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới đối với các cá nhân. Đồng thời nhiều nhà đầu tư bán lẻ cũng đang đầu tư thêm tiền mặt của họ, hoặc đầu tư vào các quỹ hưu trí.

Kết quả điều tra dân số cho thấy, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, theo số liệu là giảm 15% vào năm 2020 – giảm năm thứ 5 liên tiếp.

Chuyên gia Raymond Yeung cũng cho biết thêm, vấn đề già hóa của Trung Quốc vượt ra ngoài chính sách 1 con và cần có những thay đổi khác để thúc đẩy tăng trưởng khi tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi. Tương tự như các nền kinh tế lớn khác, chi phí nhà ở và giáo dục cao ở Trung Quốc đã và đang trở thành rào cản, ngăn người dân sinh thêm con trong những năm gần đây.

Vị chuyên gia cũng nhận định, Trung Quốc cần tăng năng suất lao động. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc khó có thể đảo ngược, ngay cả khi nước này nới lỏng chính sách một con.

“Quan trọng hơn, Trung Quốc nên tiếp tục duy trì tăng trưởng thông qua phát triển cộng nghệ, sử dụng công nghệ cao, tạo ra các giá trị gia tăng, chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung ứng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên cơ sở của sự bền vững. Đây là cách tiếp cận thực tế hơn là tập trung vào số lượng dân số”, chuyên gia Raymond Yeung nhấn mạnh.

Trong một diễn biến có liên quan, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào các ngành như sản xuất - ngành nghề đòi hỏi một lượng lớn lao động giá rẻ. Nhưng việc tăng lương đang khiến các nhà máy Trung Quốc trở nên tốn kém chi phí hơn. Trong khi người lao động cũng được đòi hỏi kỹ năng cao hơn để góp phần giúp đổi mới đất nước.

Chuyên gia Raymond Yeung chia sẻ, có thể nói, đây là một vấn đề rất cấp bách mà Trung Quốc phải giải quyết, nhất là khi mọi người đều biết vấn đề, thậm chí là biết cả hướng và cách giải quyết.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)