ClockThứ Sáu, 06/07/2012 05:55

Ảo thuật - Sân chơi còn lạ lẫm

TTH - Ảo thuật là bộ môn nghệ thuật độc đáo có sức hút khán giả trong nhiều chương trình tạp kỹ nhưng vẫn khá lạ lẫm ở Huế. Phần vì công chúng ít được tiếp cận, phần vì ảo thuật phục vụ cộng đồng chưa nhiều như các thành phố lớn khác. Vào Google, gõ "ảo thuật Huế", kết quả chỉ hiện thị vài thông tin.

Không phải trò bịp

Đang hòa cùng dòng người tấp nập trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, một đám đông với nhiều tiếng reo hò hút tôi lại gần. Thì ra mọi người đang xem ảo thuật. Người diễn chính trạc tuổi 20, sau vài động tác đơn giản, những quân bài nối đuôi nhau thành hàng dài trên đôi tay khiến mọi người ồ lên ngạc nhiên. Nhiều tiết mục khác nhau từ bộ tú lơ khơ của “ảo thuật gia” trẻ tuổi khiến đám đông ngày càng nhiều lên, hàng chục cặp mắt nhìn chăm chăm vào những quân bài, hỏi han đủ kiểu… cố tìm ra “thủ thuật” nhưng không thành. Khán giả chuyển từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, ai cũng trầm trồ. Trước khi kết thúc buổi diễn, anh chàng ảo thuật trẻ tuổi từ tốn giải thích: “Đây chỉ là một nghệ thuật đánh lừa thị giác chứ không phải là trò bịp. Mong là mọi người đã có thời gian thư giãn thú vị với ảo thuật đường phố”! Sau vài lời, anh chàng rời “sân diễn”, để lại sự tiếc nuối cho mọi người. Một phụ nữ trung niên kể: “Mấy hôm trước đi bộ ở Đại Nội, tui cũng gặp mấy em học sinh, sinh viên tới hỏi: “Dì có muốn xem một vài tiết mục ảo thuật nhỏ không nhưng tui lắc đầu, tui sợ bị lừa hay phải trả tiền! Té mô mấy em biểu diễn cho vui”!
 

Biểu diễn flourish bài trong một quán cà phê giúp vui cho khách. Ảnh: Hồng Sang

 
Tìm kiếm trên Google, gõ cụm từ “ảo thuật Huế” chỉ cho ra vài kết quả, trong đó, hầu hết là câu hỏi “học ảo thuật ở đâu”? Theo giới thiệu của người quen, tôi tìm đến ATH (Ảo thuật Huế), một forum từng thu hút 300 thành viên cả nước tham gia cách đây 2 năm. Tuy nhiên, do các thành viên trong ban quản trị đang tuổi học tập nên việc duy trì hoạt động của forum này không còn thịnh như trước. Một số thành viên chủ chòm của ATH hiện vẫn “off line” định kỳ, tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê. Trần Hồng Sang - thành viên quản trị forum đến với ảo thuật được 7 năm là người thường xuyên kết nối và tổ chức họp mặt cho biết: “Ảo thuật có hai lĩnh vực: ảo thuật sân khấu thường sử dụng đạo cụ (đòi hỏi có sự đầu tư về mặt kinh phí); ảo thuật salon (đường phố) đạo cụ đơn giản, yêu cầu sự khéo léo của đôi tay. ATH chủ yếu biểu diễn Flourish (múa bài nghệ thuật), sử dụng kỹ năng khéo léo của đôi tay và việc hoán đổi, đoán định các quân bài trước mặt người xem. Mỗi thành viên trong nhóm tự luyện tập ở nhà, sau đó sẽ trình diễn lúc họp mặt để rút kinh nghiệm và chia sẻ kỹ năng cho nhau. Nhiều bạn đến với nhóm chỉ thích “lật tẩy” hoặc sau khi được truyền đạt một vài ngón nghề thì đã vội khoe mẽ nên không bám trụ được lâu. Chỉ những ai kiên trì, luyện tập thường xuyên và có ý tưởng sáng tạo mới sống bền với ảo thuật”.
 
 
 
Ảo thuật đường phố đạo cụ đơn giản, gần gũi với công chúng hơn nhưng không dễ gần với khán giả Huế, đó là tâm sự của các thành viên ATH lúc họ tự nguyện xuống đường giao lưu. “Đường phố chẳng khác gì một sân khấu thu nhỏ, giúp mình tự tin và xử lý các tình huống bất ngờ nhưng nhiều khi những trò đùa ác ý của người xem khiến mình rơi vào cảnh trớ trêu. Một vài bạn trẻ cố ý đọc sai quân bài, giấu bớt quân bài hoặc chăm chăm đòi kiểm tra người, hỏi đủ thứ, khiến tiết mục không cho kết quả như mong muốn. Nếu hiểu lầm giữa giải trí thông thường nhờ sự khéo léo của đôi tay và trò bịp ăn tiền thì rất dễ xảy ra xung đột với khán giả. Mình phải ứng xử đúng mực, tinh tế”, Châu Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học, người hay đến biểu diễn ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu tâm sự.
Ít đất diễn, hiếm người chơi
 
Dạo qua các diễn đàn, có thể thấy nhu cầu tìm hiểu ảo thuật của các bạn trẻ Huế không ít. Tuy nhiên, họ chưa tìm được nơi để kết nối thông tin. Trước đây, một số cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học manh nha ý định thành lập CLB ảo thuật nhưng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn vì lý do nhân sự không ổn định. Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, một người có con nhỏ mê ảo thuật ở thành phố Huế chia sẻ: “Cháu nhà tôi nghiện ảo thuật đến nỗi phải mua đĩa về luyện tập, xem trên mạng rồi mày mò diễn theo. Không tìm ra lớp dạy ảo thuật, không có bạn bè để chia sẻ, nhiều lúc cháu chẳng biết hỏi ai nên sở thích ấy dần nguội lạnh”.
 

Biểu diễn ảo thuật giúp vui trên đường phố

 
 

Việc sắm đạo cụ ảo thuật ở Huế cũng là trở lực đối với những người yêu thích ảo thuật. Như bài dùng cho ảo thuật (số quân như bài thường, chất liệu tốt và bền hơn) phải đặt mua ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc đặt hàng xách tay ở nước ngoài. Một số đạo cụ phục vụ biểu diễn sân khấu khác cũng mua ở các thành phố lớn hoặc phải tự mày mò làm lấy (đối với người thâm niên trong nghề ảo thuật).

“Ảo thuật ở Huế chỉ xuất hiện trong một số chương trình dạ nhạc tiệc của khách sạn, nhà hàng lớn vào các dịp lễ, Tết chứ không biểu diễn định kỳ phần vì do cát sê, phần vì ít có chương trình phục vụ khách thường xuyên” quản lý một vài khách sạn lý giải cho việc các tiết mục ảo thuật còn hiếm hoi. Ảo thuật gia Trương Thanh nổi tiếng với tiết mục cửu diện nhân (đổi chín gương mặt trong vài phút) cũng khẳng định: “Tại nhiều thành phố lớn, các nhà hàng, đơn vị kinh doanh du lịch mượn ảo thuật để giữ chân khách, trong khi ở Huế còn chưa biết tận dụng lợi thế này. Một tháng ở TP Hồ Chí Minh, tôi có thể chạy sô mệt nghỉ, thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng; trong khi ở Huế, kiếm được vài triệu đồng từ ảo thuật rất khó khăn”.
 
Ở Huế, lực lượng chuyên biểu diễn ảo thuật cũng chỉ vài ba người nhưng không phải lúc nào họ cũng có cơ hội đến với công chúng. Anh Lê Hữu Tâm, một cán bộ hải quan từng đạt nhiều huy chương nhờ tiết mục ảo thuật tại các liên hoan, hội diễn chia sẻ: “Đất diễn ảo thuật ở Huế ít vì chúng ta chưa có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí. Muốn mưu sinh bằng nghề này khó lắm. Nếu có nhiều tụ điểm, có CLB để những người cùng niềm đam mê chia sẻ, tôi nghĩ sân chơi ảo thuật sẽ có sắc màu hơn”. Ông Nguyễn Hữu Đính – Giám đốc Trung tâm văn hóa Thông tin tỉnh cho rằng: “Ảo thuật ở Huế còn quá mới mẻ. Không dễ để mời các ảo thuật gia tên tuổi tham gia chương trình kỹ nghệ do sức mua vé không đủ bù cát sê trả cho họ. Phải có nhiều người đam mê, hoạt động sôi nổi, may ra có khả năng thu hút các nhà ảo thuật hoặc các liên hoan ảo thuật đến với mảnh đất này. Đây là một trong những lý do mà khán giả Cố đô ít có điều kiện tiếp cận với nghệ thuật đặc biệt này. Hy vọng, lớp học ảo thuật cơ bản đang mở tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh dưới sự giảng dạy của nghệ sỹ Trương Thanh sẽ nhen nhóm tình yêu ảo thuật trong các bạn trẻ”.

Tuệ Ninh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng về đoàn viên, người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân luôn là đợt cao điểm chăm lo cho công nhân lao động. Năm nay, với chủ đề: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết", ngay từ thời điểm cuối tháng 4, nhiều hoạt động chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần đã được các cấp công đoàn đồng loạt thực hiện.

Hướng về đoàn viên, người lao động
Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh ra đời mới đây được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh - tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (LĐ).

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Return to top