ClockThứ Tư, 17/08/2016 08:55

Áp thuế Artemia 5%: Cảnh báo ảnh hưởng sự phát triển ngành tôm

Ngay sau khi Bộ Tài chính có ý kiến về việc truy thu thuế và không giảm thuế nhập khẩu trứng Artemia về 0%, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm làm việc với Bộ Tài chính để “cởi trói” cho ngành tôm.

Doanh nghiệp kêu bị đẩy vào chỗ khó

Là một trong những công ty nhập khẩu Artemia lớn, đại diện Công ty TNHH Toàn Hưng (Khánh Hòa) cho biết, với mức thuế bị truy thu khoảng hơn 10 tỷ đồng thì công ty không thể có nguồn để nộp vì toàn bộ khoản giá chênh lệch đó đã đưa vào giá ưu đãi cho người nuôi tôm rồi.

“Nếu tính đúng như mức thuế bị truy thu thì giá tôm giống phải tăng thêm 10% chứ người nuôi tôm không thể hưởng giá tôm giống rẻ như hiện nay. Việc doanh nghiệp được ưu đãi thuế, bán Artemia giá rẻ từ đó làm cho giá tôm giống rẻ nên hiện tại ngành tôm đang dần hồi phục trở lại, nếu tăng thuế nên sẽ làm tăng giá bán tôm và gây khó khăn cho người nuôi” - đại diện doanh nghiệp Toàn Hưng chia sẻ. 

Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (giữa) xem quy trình sản xuất tôm giống tại Công ty Thủy sản Nam Miền Trung (Bình Thuận). ảnh: K.L

Trước đó, sau khi hàng loạt các doanh nghiệp, Hiệp hội Tôm Bình Thuận, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản gửi đơn “cầu cứu” lên các cơ quan chưc năng, nếu truy thu thuế sẽ rơi vào đường cùng là phá sản, nhưng Bộ Tài chính vẫn khẳng định truy thu thuế của các doanh nghiệp này là đúng.

Văn bản của Bộ NNPTNT ngày 12.8 nêu rõ: Bộ NNPTNT một lần nữa đề nghị Bộ Tài chính xem xét, không truy thu thuế và điều chỉnh thuế suất, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng trứng Artemia làm thức ăn cho tôm gống về 0% để hỗ trợ phát triển sản xuất ngành tôm Việt Nam. Theo Bộ NNPTNT, nếu áp thuế 0% thì sẽ có tác động rất tích cực cho sự phát triển chung của ngành  tôm như: Tăng thu nhập cho người nuôi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm (giá giống có thể giảm từ 10-15%); thúc đẩy gia tăng, củng cố chất lượng Artemia trong nước nhờ sự cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; chất lượng, số lượng con giống dần được nâng cao, ổn định…

Bộ Tài chính cho biết, về phân loại mặt hàng trứng Artemia: Mã số hàng hóa quy định tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi Việt Nam và việc phân loại hàng hóa của Hải quan Việt Nam được tuân thủ hoàn toàn theo Công ước quốc tế về mô tả và mã hóa hàng hóa (gọi tắt là Công ước HS); danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN).

Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, mặt hàng trứng Artemia còn sống, dùng làm thức ăn cho tôm được phân loại vào nhóm 05.11, mã số 0511.91.00, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 5%. Các quốc gia trên thế giới cũng phân loại thống nhất mặt hàng này vào nhóm 05.11. Trên thực tế, đa số các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này đã phân loại đúng theo mã số 0511.91.00.

Trước những phản hồi của Bộ Tài chính, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, Bộ Tài chính đã “hiểu lầm” khái niệm đối với Artemia. “Chúng tôi nhập Artemia nghiền ra thành bột thì được hưởng thuế 0%, còn trứng Artemia nhập về để nghiền ra đều làm thức ăn cho tôm thì lại tính 5%, trong khi ở Mỹ chỉ có một mã số cho Artemia với tên gọi là sản phẩm dùng cho tôm” - ông Trương Hữu Thông- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thông Thuận (Bình Thuận) cho biết. 

Theo phản ánh của hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu Artemia, hiện Việt Nam đã sản xuất được loại thức ăn này nhưng chất lượng chưa tốt nên các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu Artemia từ hai nguồn là Mỹ và Thái Lan, nhưng chất lượng ở Mỹ vẫn tốt nhất. “Nếu Bộ Tài chính chỉ giảm từ 5% về 3% thuế nhập khẩu Artemia, các doanh nghiệp sẽ tính đến phương án nhập về Thái Lan rồi chuyển về Việt Nam thì vẫn không phải nộp thuế do được hưởng thuế ưu đãi khu vực ASEA” -  đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu Artemia cho biết. Theo đại diện các doanh nghiệp, nếu “đi đường vòng” như thế thì Bộ Tài chính cũng không thu được thuế từ nhập khẩu mặt hàng này.

Chặn “cái bé tý” là vô lý

Về điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu trứng Artemia từ 5% xuống 3%, Bộ Tài chính cho biết:  Theo quy định tại biểu khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì mặt hàng trứng Artemia có mức cao nhất là 5%, mức cam kết trần WTO là 5%. Theo ý kiến của Bộ KHĐT thì việc điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng này phải đảm bảo tính khả thi và phù hợp với Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 là không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước và mặt hàng này là mặt hàng trong nước đã sản xuất được... Do vậy, trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội, Bộ Tài chính thấy cần có mức thuế hợp lý để vừa khuyến khích bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, vừa khuyến khích mặt hàng tôm giống phát triển nên đã ban hành Thông tư số 98/2016/TT-BTC ngày 29.6.2016 điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu trứng Artemia từ 5% xuống 3%.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề này. “Vụ việc này không chỉ gửi công văn, tôi yêu cầu anh Vũ Văn Tám (Thứ trưởng Bộ NNPTNT-PV) sang làm việc với Bộ Tài chính. Việc áp thuế Artemia 5% là đi chặn một cái vô cùng nhỏ, nhưng ảnh hưởng hiệu ứng nhập khẩu. Artemia nhập về tổng giá trị có đáng kể gì, mà lấy 5% không có ý nghĩa gì cả, trong khi sản lượng người ta xuất khẩu đến 3-4 tỷ USD, mà lại rất cần chuỗi ban đầu để tạo ra được giống chất lượng. Phải giải thích để người ta hiểu”- Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, nếu tính tới thu thuế phải thu ở khâu cuối cùng chứ không thể tính tới có hơn 20 tỷ đồng tiền thuế từ ngay khâu thức ăn cho sản xuất giống tôm.

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top