Vì buôn bán nên đứa em tôi để tiền trong tài khoản ngân hàng, cũng vì thế mà số tiền hơn 30 triệu đồng mất sạch trong tích tắc. Em tôi kể: Đang nấu ăn thì nhận được cuộc gọi, bên kia đầu dây xưng là cán bộ công an, nói là mã số định danh của con em bị trùng, phải sửa lại không sẽ ảnh hưởng đến các giấy tờ tùy thân của cháu sau này. Nghe vậy em cũng hoang mang. Nhưng khi được hướng dẫn tải app dịch vụ công của Bộ Công an để sửa trực tiếp theo hướng dẫn cùng với lời trấn an là các bước làm đơn giản, nhanh chóng nên em cũng làm theo.
App em tôi tải mang tên là "dịch vụ công", nhưng là app giả do bọn lừa đảo tạo. Em tôi làm theo hướng dẫn mà không mảy may nghi ngờ. Với thủ đoạn thao túng tâm lý, hối thúc không cho người bị hại có thời gian suy nghĩ, em cứ thế làm theo. Sau vài bước thực hiện như hướng dẫn của kẻ lừa đảo, em phát hiện ra toàn bộ tiền trong tài khoản của mình đã bị trừ hết, khi sực tỉnh thì đã quá muộn...
Mới đây, tôi cũng nghe chị hàng xóm kể về thủ đoạn lừa đảo này. Mặc dù cũng bị lừa, nhưng chị may mắn hơn vì trong tài khoản không có tiền. Theo chị kể thì với thủ đoạn tinh vi, chúng dễ dàng thao túng tâm lý người bị hại, bởi không phải ai cũng biết app nào là app dịch vụ công giả, app nào là thật.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng cổng dịch vụ công. Sau đó, chúng giả danh là công an phường/thành phố... thông báo là mã định danh của con anh chị bị sai hoặc trùng, cần sửa gấp để đồng bộ dữ liệu và hướng dẫn cập nhật qua mạng vì các bước làm nhanh chóng, dễ dàng, chỉ cần có điện thoại thông minh là được.
Sau đó, các đối tượng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với cổng dịch vụ công có hình Quốc huy Việt Nam (để người bị hại không đề phòng). Khi người bị hại cài app, mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Khi chiếm được quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng.
Đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng cũng chẳng cũ, không phải ai cũng biết để đề phòng, nhất là những người không hiểu biết nhiều về công nghệ, hoặc chưa tìm hiểu các thông tin về các thủ đoạn lừa đảo... Chính vì vậy, những người bị lừa ngoài việc báo cơ quan chức năng nên chia sẻ về các thủ đoạn lừa đảo để cảnh báo mọi người cùng cảnh giác.