ClockThứ Năm, 23/07/2020 14:37

Bắt chẹt

TTH - Một thời, “chơi” bảo hiểm rộ lên như một phong trào, nhiều nhân viên bảo hiểm sống phong lưu với các khoản hoa hồng hậu hĩnh. Thế nên, rất nhiều người tham gia làm đại lý cho bảo hiểm, có người làm theo kiểu chân trong chân ngoài, hoặc cũng có người từ làm “thí điểm” rồi bỏ nghề chính của mình để nhảy hẳn sang làm cho bảo hiểm… Các công ty bảo hiểm ồ ạt đổ bộ vào các địa bàn, cạnh tranh rộn ràng để giành thị phần.

Không thể ăn xổi

Như nhiều người khác, tôi cũng không thoát khỏi tầm ngắm của các đại lý bảo hiểm, hết hãng này đến hãng khác tăm tia tiếp cận, mời chào, thuyết phục... Nói chung là khá mệt mỏi. Rồi trong một dịp về thăm quê vợ, một bà chị họ bỗng thấy rất hồ hởi nhiệt tình chào đón, thăm hỏi. Có cái gì hơi… không bình thường rồi đây.  Tôi nghĩ bụng. Cuối cùng, sau mấy ngày tích cực săn đón, bà chị mở lời cho hay mình đang làm đại lý của công ty bảo hiểm X.; chị bắt chúng tôi ngồi nghe thuyết minh về quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của công ty vân vân và vân vân… Kết lại, mời chúng tôi mua cho chị cái hợp đồng bảo hiểm. Dù không khoái, nhưng từ chối cũng bất nhã. Tôi bảo bà xã mua cho chị. Tất nhiên là chị phấn khởi ra mặt, bảo cứ việc về, mọi thủ tục hợp đồng để chị bao, chỉ cần cho chị xin thông tin tên, tuổi, địa chỉ, số CMND…

Mấy hôm sau, một cuốn hợp đồng dày cộp với vô số điều này khoản nọ được gửi đến. Ai hơi đâu mà đọc, mà đọc cũng chưa chắc hiểu. Chỉ cần coi số tiền cần nộp hàng kỳ, vậy thôi. Và rồi cứ kỳ lại kỳ, bỗng dưng thấy như mình bị… mắc nợ. Tôi chỉ trông nó đáo hạn để “rảnh nợ” cho rồi...

Hơn chục năm trôi qua, rồi cũng tới ngày đáo hạn. Đúng hẹn, tôi đến trụ sở công ty, kê khai, ký tá theo hướng dẫn. Xong, nộp và ngồi chờ. Một chốc sau, thấy em nhân viên mời lại, tưởng là để nhận tiền. Hóa ra… “mợt”. Em bảo tôi ký lại giúp. Ừ, thì ký lại, chuyện vặt. Cũng chưa được. Lại ký lại, cũng vậy!?? Hỏi tại sao, em bảo, chữ ký của anh không giống chữ ký trong hợp đồng. Thì đúng quá chứ còn gì. Hợp đồng là do nhân viên bảo hiểm làm, nhân viên bảo hiểm ký, làm sao giống chữ ký của tôi được. Định giải trình, nhưng biết chắc sẽ rườm rà rắc rối. Tôi mượn lại cái hợp đồng, liếc qua xem chữ ký thế nào rồi “vẽ” lại. Bảo chữ ký hơn chục năm trước, “không ăn nên làm ra” nên đổi lâu rồi, nay… quên. Vậy là ổn.

Số tiền nhận lại cơ bản cũng chỉ như mình bỏ heo đất vậy thôi. Nhưng dù sao cũng không “thất thoát” hoặc “thất lạc” (tất nhiên không tính chuyện trượt giá) mà lâu nay thỉnh thoảng lại thấy ồn ào trên báo, trên mạng xã hội. Vậy là tất toán xong, từ nay xem như “thoát nợ”. Trích phí bảo hiểm, tự thưởng ngay một thùng với mấy anh em trong nhà. Ngửa cổ mần một hơi bia mát lạnh, nghe khoan khoái và bỗng thấy sao mà mình thông minh đột xuất thế. Nếu không liếc mắt và “vẽ” lại đúng chữ ký, có lẽ còn phải chạy đi chạy lại chán chưa chắc nhận được tiền của chính mình. Chợt thấy nản bà chị họ, nản đại lý bảo hiểm. Lẽ ra khi triển khai hợp đồng, họ phải lưu ý khách hàng điều này chứ. Còn như các công ty bảo hiểm chỉ lấy sự phát triển thị phần làm trọng, không cần quan tâm hợp đồng ai ký, thì khi khách hàng đã làm xong nghĩa vụ đóng phí của họ, lúc tất toán cũng phải linh động và sòng phẳng. Sao cứ phải bắt chẹt chữ ký giống với không giống là thế nào?!!

Thượng Bích

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ việc lắng nghe

Ngoài các kênh hỗ trợ tại cơ quan thuế; tuyên truyền, tư vấn thông qua các trang fanpage, qua mạng xã hội…, việc tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người nộp thuế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ đã phần nào tháo gỡ được các vướng mắc trong quá trình tiếp cận các chính sách thuế mới.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ việc lắng nghe
Nữ doanh nhân giỏi kinh doanh, giàu lòng nhân ái

Trong số những doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Trần Thị Ngọc Yến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Yến là tấm gương sáng, luôn được nhắc đến ở các diễn đàn. Thành tựu mà chị gặt hái không chỉ dừng lại ở con số doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, mà còn là những hoạt động thiện nguyện, tấm lòng luôn hướng về cộng đồng.

Nữ doanh nhân giỏi kinh doanh, giàu lòng nhân ái
Gom góp cho “của để dành”

Không chỉ chăm lo cuộc sống thường nhật và tương lai của con cái, nhiều ông bố, bà mẹ đã dành dụm, tiết giảm các khoản chi tiêu để tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho con, với mong muốn sau này các con sẽ nhận lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già.

Gom góp cho “của để dành”
Phát triển người tham gia bảo hiểm

Với mục tiêu gia tăng số người tham gia các loại hình bảo hiểm để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2024, từ nay đến cuối năm Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia; đồng thời, tăng cường công tác truyền thông giới thiệu các chính sách bảo hiểm đến với người dân và các doanh nghiệp (DN).

Phát triển người tham gia bảo hiểm
Return to top