ClockThứ Sáu, 11/03/2022 15:09

Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn

TTH - Dù đã được lực lượng chức năng cảnh báo và chiêu thức không mới, nhưng người dân vẫn bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo bằng tin nhắn, nhờ cào card điện thoại, vay mượn tiền.

Cảnh giác với tà đạo hoạt động trên mạng xã hộiCảnh giác với thủ đoạn “chuyển khoản nhầm”Cảnh giác, chủ động

Lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh triệt phá đường dây mua bán dữ liệu cá nhân qua mạng

Sáng một ngày đầu tháng 3, tôi nhận được tin nhắn facebook của một đồng nghiệp với nội dung: “Em rảnh không? E gửi số tài khoản, anh chuyển qua 1 triệu. Trưa em rảnh mua giúp anh 1 triệu tiền card Viettel được không. Anh đang cần tí việc”.

Đọc tin nhắn, tôi lịch sự trả lời: “E đang theo vụ cháy anh”. Thú thực, lúc này tôi đang có mặt tại hiện trường vụ cháy ở đường Nguyễn Công Trứ để tác nghiệp, nên khi đọc tin nhắn, tôi chỉ nhắn tin trả lời ngắn gọn vậy thôi. Đồng nghiệp tôi là một người anh, một người lớn tuổi, nên tôi rất tin tưởng.

Tuy nhiên, sau khi từ hiện trường vụ cháy về nhà, đọc lại tin nhắn, tôi không tin đồng nghiệp tôi nhắn tin như vậy, mà có kẻ nào đó đã mạo danh, với mục đích lừa đảo. Vài câu nhắn lại nội dung tin nhắn, tôi phát hiện và khẳng định, kẻ xấu đã lợi dụng facebook của đồng nghiệp tôi với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Qua sự việc, tôi đã đăng tải trên facebook của mình để cảnh báo anh, chị em đồng nghiệp và mọi người, tránh bị lừa. Sau khi đăng tải, tôi biết được, một chủ facebook cũng nhận được tin nhắn tương tự với nội dung: “A lô bạn. Tài khoản bạn còn tiền đó không? Bạn chuyển tài khoản này giúp tớ 3 triệu với được không. Chiều tầm 4 giờ tớ chuyển lại”.

Nội dung tin nhắn mà đối tượng xấu đã mạo danh người khác để lừa đảo qua facebook

Do cảnh giác, nên chủ facebook này đã “vạch mặt” đối tượng xấu bằng cách, gọi điện trực tiếp để hỏi bạn của mình với mục đích xác định lại nội dung. Nhằm cảnh báo với mọi người, tránh bị kẻ xấu lừa, chủ facebook này viết và đăng tải nội dung: “Những trò lừa đảo kiểu này nếu không tỉnh táo sẽ mất tiền".

Thực tế cho thấy, không phải ai cũng tỉnh táo nhận ra những tin nhắn giả mạo bạn bè, người thân, đồng nghiệp để lừa đảo của kẻ xấu, mà có người đã dính bẫy. “Thấy hình ảnh đại diện quen thuộc ở facebook của em gái tôi. Đọc nội dung tin nhắn thì đúng với hoàn cảnh, nên tôi gửi vào tài khoản của em gái tôi gần 2 triệu đồng. Gửi xong, đợi phản hồi của em gái, nhưng chờ mãi. Tôi gọi điện hỏi em gái thì mới biết mình bị lừa”, bà N. T. B, trú tại phường Phú Thượng (TP. Huế) chia sẻ.

Thông thường, các đối tượng gửi tin nhắn vào thời điểm buổi sáng hoặc trưa, khi mà mọi người tất bật với công việc đầu ngày, lo việc bếp núc, con cái, nên ít ai để ý và không có thời gian để suy nghĩ, tin nhắn đó thật hay giả, có phải bạn bè, đồng nghiệp, người thân của mình hay không. Nếu không có thời gian đủ tỉnh táo, đọc và rà lại nội dung, người nhận tin nhắn sẽ cho số tài khoản và thực hiện theo nội dung tin nhắn của kẻ xấu…

Từ các vụ việc lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo trong thời gian qua, Công an TP. Huế xác định, có 6 thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong đó, như: Thông báo nhận được quà giá trị lớn từ người nước ngoài quen qua mạng xã hội gửi về Việt Nam, yêu cầu bị hại đóng các khoản phí để được nhận. Giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án thông báo cho những người có liên quan đến các vụ án để hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; “hack”, xâm nhập trái phép, chiếm tài khoản của người khác, thay đổi thông số, tính năng trên mạng xã hội, gửi các đường link có chứa mã độc để chiếm quyền đăng nhập tài khoản facebook, zalo của người dùng rồi “chat” với bạn bè của nickname này trên danh nghĩa chủ tài khoản, sau đó nhờ nạp tiền điện thoại hoặc nhờ chuyển tiền cho mượn... Nhiều người không biết, nghĩ đó là người thân, bạn bè nên đã mua thẻ card điện thoại, thậm chí mau chóng chuyển tiền theo yêu cầu.

Trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, lực lượng công an toàn tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xử lý; tuy nhiên, lực lượng công an khuyến cáo, mọi người dân nên hết sức lưu ý. Khi nhận được đường link lạ với gợi ý vào xem bằng cách điền địa chỉ email và mật khẩu thì người nhận không nên “tò mò” mở xem đường link này. Để khỏi bị lừa, khi nhận được tin nhắn yêu cầu chuyển tiền hoặc nạp card điện thoại, cách tốt nhất hãy gọi lại cho người đã nhắn tin để xác minh hoặc từ chối yêu cầu của người đó khi thấy tin nhắn hoặc cuộc gọi có dấu hiệu khả nghi. Đồng thời, trình báo với lực lượng công an gần nhất để cùng phối hợp xử lý. 

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top