|
Hầu hết xe ô tô tự lái ở TP. Huế hiện nay đều là xe đời mới |
Kinh doanh cho thuê ô tô tự lái phát triển mạnh mẽ nhiều năm nay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Việc liên hệ, thuê cho mình một chiếc xe tự lái khá dễ dàng với rất nhiều sự lựa chọn. Chỉ cần khách hàng đặt lại giấy tờ tùy thân hoặc một khoản tiền cược là có thể thuê được một chiếc xe tự lái.
“Những ngày giá rét, lễ, tết cận kề như này chỉ ước có thêm chục chiếc xe nữa mà cho thuê. Người ta muốn thuê nhiều lắm mà không có xe cho thuê. Những ngày này, cửa hàng tôi luôn trong tình trạng “cháy xe” - đó là những chia sẻ của anh Hồ Văn Minh, chủ cơ sở kinh doanh cho thuê ô tô tự lái tại đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ (TP. Huế). Cơ sở của anh hiện đang có khoảng gần 20 đầu xe cho thuê, trong đó nhiều nhất là các loại xe Mazda CX-5, Hyundai Elentra, KIA Cerato, Mazda 3, Mitsubishi Xpander, Toyota Innova,… Hầu hết đều là xe mới sử dụng chưa quá 5 năm. “Hiện nay, người dân có xu hướng thuê xe đẹp, đời mới để đi công việc và phục vụ gia đình. Vì thế, không thể dùng mãi những mẫu xe cũ được mà phải liên tục đầu tư, thay mới”, anh Minh nói.
Cứ ngỡ cho thuê ô tô tự lái là dịch vụ đang kiếm nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, chuyện rủi ro khi cho thuê xe tự lái không chỉ những người mới làm, mà ngay những người làm lâu năm cũng gặp phải. Anh Dương Phúc Cường - chủ cơ sở kinh doanh cho thuê xe tự lái tại thị xã Hương Thủy cho hay: Cho thuê xe tự lái có được lợi nhuận tốt, nhưng cũng tốn nhiều chi phí đầu tư và duy trì và để “nuôi” xe. Ngoài ra, còn phải đối mặt với vô vàn những rủi ro như: Bị lừa đảo, mang xe mình đi cầm cố, dùng xe mình để vận chuyển chất cấm, tai nạn, va quẹt… và gần đây là “dính” phạt nguội.
Từ khi lực lượng Cảnh sát giao thông đẩy mạnh xử phạt thông qua hệ thống camera, anh Cường ngày nào cũng phải lên mạng để tra cứu xem xe của mình có vi phạm giao thông hay không.
“Có nhiều khách thuê xe của tôi bị “dính” phạt nguội, nhưng vài ngày sau công an mới gửi giấy thông báo về. Lúc đó khách đã trả tiền, mình thì trả giấy tờ đặt cọc. Chỉ có thể đòi qua… điện thoại. Có khách thì sẵn sàng đến thanh toán, nhưng cũng có người chặn số tôi luôn”, anh Cường chia sẻ.
Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa ra xét xử nhiều vụ án liên quan đến việc thuê xe tự lái rồi cầm cố hoặc bán để chiếm đoạt. Điển hình là vụ Nguyễn Văn Hoành (SN 1995, trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bị truy tố, xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Để thực hiện hành vi chiếm đoạt, Hoành lên mạng xã hội tìm và đặt làm giả 1 căn cước công dân, 3 giấy chứng nhận đăng ký các ô tô có biển kiểm soát Đà Nẵng, chủ sở hữu đứng tên là Nguyễn Văn Hoành để thuận lợi cho việc cầm cố.
Sau đó, Hoành lần lượt đưa 3 chiếc ô tô cùng giấy tờ đã làm giả đến cầm cố tại tiệm cầm đồ trên địa bàn TP. Huế. Tổng giá trị tài sản mà Nguyễn Văn Hoành chiếm đoạt là hơn 2,1 tỷ đồng. Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã tuyên phạt Hoành với mức án 15 năm tù giam.
Trước đó, đối tượng Lê Quang Vũ (sinh năm 1983, trú tại phường Phú Hội, TP. Huế) cũng bị cơ quan chức năng khởi tố về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra ban đầu, Vũ thuê ô tô Porsche (BKS 75A 115…) của anh N.H.S. (SN 1990, trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế) để làm phương tiện đi lại. Sau đó, Vũ đưa xe đến cầm cố tại một cửa hàng cầm đồ do anh V.V.S.H. (SN 1981, trú tại phường Tây Lộc, TP. Huế) làm chủ với số tiền 4 tỷ đồng, rồi đem số tiền này đi trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Trước thực trạng trên, để giảm thiểu tối đa rủi ro, các cơ sở kinh doanh cho thuê xe tự lái nên siết chặt hơn đối với khách thuê xe, chỉ cho khách quen hoặc có người quen bảo lãnh, có đầy đủ giấy tờ và cam kết trách nhiệm khi không may xảy ra sự cố… Mặt khác, nên chuyển sang kinh doanh dịch vụ cho thuê xe có lái xe phục vụ để chủ động hơn về phương tiện và giảm thiểu rủi ro.