ClockThứ Sáu, 29/07/2022 14:57

Chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Sự kỳ thị đối với những người nhiễm HIV trong xã hội vẫn còn nặng nề, thậm chí ngay cả trong gia đình có người nhiễm. Hiện trạng này khiến người nhiễm HIV càng mặc cảm, luôn tìm cách giấu giếm bệnh tật với cộng đồng và không hợp tác với chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Tôn trọng, bảo vệ quyền của người nhiễm HIV/AIDS, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ có 6 điều điều chỉnh các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; bao gồm các nội dung liên quan đến hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS; tư vấn và xét nghiệm HIV; điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, điều trị dự phòng, điều trị phơi nhiễm HIV; can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV…

Trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS, sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng nếu cung cấp, đưa thông tin không chính xác về tình hình dịch HIV/AIDS so với số liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố. Hoặc, thực hiện không đúng về thời điểm, thời lượng ưu tiên phát sóng, thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, đài truyền hình và dung lượng, vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của pháp luật.

Mức phạt tiền nâng lên từ 10 – 15 triệu đồng nếu không thực hiện việc ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng, thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, đài truyền hình và dung lượng, vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của pháp luật. Hoặc thu tiền đối với việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, trừ trường hợp có hợp đồng với chương trình quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước tài trợ. Hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó. Trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật. Mức phạt sẽ nâng lên từ 15 – 20 triệu đồng nếu công khai tên, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Với các hành vi vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, Điều 23 của Nghị định này cũng quy định rõ các mức phạt đối với những hành vi khác nhau, đồng thời phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học. Cản trở học sinh, sinh viên, học viên tham gia hoạt động, dịch vụ của cơ sở giáo dục vì lý do nhiễm HIV hoặc thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV. Cản trở tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào cơ sở bảo trợ xã hội vì lý do nhiễm HIV. Từ chối mai táng, hỏa táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.

Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng nếu yêu cầu xét nghiệm HIV, hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người lao động dự tuyển, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng theo quy định của Chính phủ. Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV. Từ chối tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào cơ sở bảo trợ xã hội vì lý do nhiễm HIV. Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được giám hộ nhiễm HIV. Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV. Phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV; Bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV.

Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV. Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV. Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV. Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV. Sử dụng hình ảnh, thông điệp truyền thông có tính chất kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

118 trường hợp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Ngày 7/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, đến nay đã điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho 118 ca (110 nam, 8 nữ). Trong số này có 99 đồng tính nam (MSM), 12 bạn tình bị nhiễm, 5 người nghiện ma túy, 2 khách hàng thuộc đối tượng khác.

118 trường hợp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV
Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh

TIN MỚI

Return to top