Cảnh đón dâu ở một đám cưới tại Huế
Tháng 6 âm lịch, trời vẫn nắng gay gắt như đổ lửa, mãi chưa thấy mưa. Nhiệt kế ngày nào cũng chỉ 39-400C không ai muốn ra khỏi nhà. Vậy mà không hiểu sao thiên hạ vẫn cưới rần trời. Thiệp cưới bay đến tấp nập, có tuần nhận tới 5 cái, có cái đi được, có cái trùng ngày giờ, phải gửi quà mừng kèm lời thông cảm. Ơn qua nghĩa lại, bà con họ hàng, quan hệ xã hội… đều không thể làm lơ, khổ thế!
Cưới mời 11h00, tranh thủ thời gian đi đúng giờ để về còn làm việc buổi chiều. Nhưng mười cái như chục. Khách đúng giờ nhưng chủ thì luôn chờ cho “đầy hôn trường” mới khởi động. Thành ra ai dù đi đúng giờ cũng phải chấp nhận đợi. Thường, mời 11h00 thì đến 12h00, mời 17h00 thì 18h00 mới bắt đầu buổi lễ. Cho nên, có nhiều người đúc rút rất vui: “Huế mình đám cưới luôn đúng giờ”, nghĩa là phải chờ “đúng 1 giờ đồng hồ”, tiệc mới bắt đầu dọn.
Rồi nào là “đưa dâu” lên sân khấu, nào là tứ thân phụ mẫu ra mắt, nào là rót rượu, dâng rượu, chạm cốc thông gia, cô dâu chú rể uống ly rượu “giao bôi”, cắt bánh kem… Chưa kể chương trình văn nghệ đinh tai nhức óc mà ai đi nhiều đám cưới thì thường thấy “lai lai” nhau. Có đám còn cho trình chiếu cả… phóng sự về cuộc tình của cô dâu chú rể trong thời gian tán tỉnh, tìm hiểu nhau nữa. Tất cả lại ngốn của quan khách thêm 30-45 phút nữa là ít. Rất khổ và rất ngao ngán!
Ai đi dự đám cưới về cũng rên, nhưng có điều “rất vui” là trong những người từng rên như vậy, đến khi tổ chức cưới xin cho con mình lại bắt người khác phải… rên trở lại (!).
Có lẽ đến lúc phải “cải tiến” bớt. Đúng giờ là nên khởi động, có trễ cũng nên vừa phải, không nên “hành hạ” quan khách quá đáng. Ai đến trễ, người nhà được phân công ở lại “ứng trực” tại tiền sảnh sẽ tiếp nhận quà mừng và hướng dẫn vào chỗ ngồi. Ai đã có ý không dự thì dù có đợi bao lâu họ cũng sẽ không đến. Cứ vậy dần dà sẽ thành nếp. Đúng giờ là văn minh, việc làm này chắc chắn sẽ được hoan nghênh chứ không ai phản đối.
Những khoản “lễ nghi truyền thống” thì đều đã làm tại gia đình, nên tại nhà hàng tiệc cưới cũng không nhất thiết phải “tái hiện”, mất thời gian mà chưa hẳn ai cũng hào hứng để xem. Chỉ cần cô dâu chú rể, cha mẹ 2 bên ra mắt, nói lời cảm ơn và bắt đầu tiệc. Sẽ gọn gàng, lịch sự và dễ thương chán. Và nữa, khoản âm nhạc tại tiệc cưới cũng cần phải xem lại. Nắng nôi, ngột ngạt như thế mà âm thanh cứ chí chát liên hồi. Chẳng trách có nhiều người cố “tránh chỗ cái loa”, thậm chí không ít người buộc phải ăn uống thì qua quýt ba miếng rồi tản cư cho lẹ.
Có câu “Ai chê đám cưới…”, nhưng góp ý để đám cưới ngày càng dễ thương, ngày càng văn minh lịch sự thì có lẽ không ai cấm cản.
Bài, ảnh: Thượng Bích