ClockThứ Sáu, 16/02/2024 18:29

Giữ vệ sinh và xanh hóa đường Tam Thai- Việc rất nên làm!

TTH.VN - Suốt dọc 2 bên đường Tam Thai đi qua khu nghĩa trang, đâu đâu cũng có thể bắt gặp rác và rác. Thứ thì dồn đống, thứ thì vương vãi dọc 2 lề hoặc theo gió tứ tán tràn ra mặt đường.
HN - Phú Thăng
  • HN - Phú Thăng

Nghĩa trang nhân dân TP. Huế ở khu vực phường An Tây- nơi đang có hàng vạn ngôi mộ của bá tánh chôn cất từ rất nhiều năm qua. Và như lệ thường, dịp cuối năm tảo mộ hoặc tết Nguyên đán, nghĩa trang lại đón dòng người từ khắp nơi về thăm viếng, chăm sóc mộ phần người thân.

 Từ đầu nghĩa trang đã gặp rác (!)

Dịp trước tết Giáp Thìn này, người anh họ bên ngoại tôi từ TP. Hồ Chí Minh ra thăm quê. Nội của anh quê gốc Thừa Thiên Huế, nhưng ly hương đã năm sáu bảy mươi năm, nay ở Huế không còn ai thân thích bên nội. Mồ mả cũng chỉ có đâu độ chục ngôi đều quây quần ở nghĩa trang thành phố. Anh bây giờ là trưởng nam của gia đình, anh em trai không còn ai nên hễ có dịp về Huế, làm gì thì làm, anh đều phải dành thời gian lên thắp nhang viếng mộ. Từ nghĩa trang về, anh gọi tôi đi làm ly cà phê trò chuyện cho vui. Trong câu chuyện của mình, anh phàn nàn nghĩa trang thành phố văn hóa, thành phố xanh gì mà nhiều rác quá xá. Tôi chột dạ, tình trạng này đã tồn tại khá lâu, bao giờ đến đấy cũng đều “có quyền” bắt gặp. Cách đây mấy năm, tháp tùng anh đi viếng mộ anh cũng từng phàn nàn về điều này. Tôi thật thà  động viên anh yên tâm, Huế đang phát động xanh sạch sáng, thành phố 4 mùa hoa, hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng di sản, văn hóa… chắc chắn thực trạng nhếch nhác kia sẽ được để mắt và nhanh chóng dọn dẹp thôi. Ai dè…

 Rác vương vãi suốt tuyến đường Tam Thai xuyên qua khu nghĩa trang

Sau buổi cà phê với anh, tôi cho xe hướng về đường Tam Thai, chạy một vòng quanh khu nghĩa trang xem sự thể nó ra làm sao. Và đúng là đáng buồn khi thấy điều mà người anh họ tôi phàn nàn quả là không ngoa. Suốt dọc 2 bên đường Tam Thai đi qua khu nghĩa trang, đâu đâu cũng có thể bắt gặp rác và rác: Bao nylon, vỏ chai nhựa, giấy bọc hoa, vỏ đựng nhang, hộp bánh, xốp cắm, đế cắm hoa cũ, vàng mã hoặc tang phục được hóa nhưng không cháy hết…Thứ thì dồn đống, thứ thì vương vãi dọc 2 lề hoặc theo gió tứ tán tràn ra mặt đường. Khu nghĩa trang là nơi an nghỉ ngàn thu của vạn vạn người quá cố, vạn vạn vong linh âm hồn, lẽ ra phải được tôn kính, trang nghiêm, nhưng do thiếu ý thức, thiếu giữ gìn, thiếu chăm nom nên sự linh thiêng tôn kính kia đã bị các loại rác làm cho tổn thương, xúc phạm. Lúc tôi đến, trong nghĩa trang đó đây vẫn có người đến viếng; chốc chốc lại tiếp tục có ô tô, taxi tiến lại, thả xuống những nhóm hành khách giọng nam có, giọng bắc có. Có lẽ họ là cháu con dâu rể ở xa về… Bỗng một người đàn ông đi xe máy tiến đến dừng ngay cạnh tôi, hỏi thăm có phải tôi đi viếng mộ? Tôi gật đầu luôn cho… tiện. Người đàn ông đưa cho tôi tấm danh thiếp, bảo cần gì cứ theo số điện thoại trên đó mà gọi. Liếc nhìn, thấy trên danh thiếp ghi đủ dịch vụ thuộc “phạm trù hậu sự”: Nhận dịch vụ mai táng; xây lăng mộ; chạp mộ, sơn mộ; cắt cỏ, cưa cây; vệ sinh lăng mộ; bán đất-bán bo tròn. Vẩn vơ tự nghĩ, giá như có thêm cái “dịch vụ” quản lý, giữ vệ sinh, trật tự cho khu nghĩa trang nữa thi hay biết mấy. Tất nhiên, “dịch vụ” ấy không thể là của người đàn ông nọ, mà phải của chính quyền địa phương hoặc cơ quan hữu trách đứng ra tổ chức mới được.

Vệ sinh và xanh hóa tuyến Tam Thai là việc phải đạo và rất nên làm!

Tại sao chuyện giữ gìn cảnh quan, dọn dẹp vệ sinh ở Nghĩa trang nhân dân thành phố bị bỏ bê? Ngẫm, thấy lý do có thể là do người ta nghĩ nghĩa địa ở xa trung tâm thành phố, lại toàn là…người chết, chẳng ai cảm nhận được gì nên chưa cần phải quá bận tâm. Nhưng nghĩ, thì thấy hình như có cái gì đó chưa đúng lắm ở đây. Nghĩa trang nhân dân thành phố tuy ở xa trung tâm, nhưng như đã nói, lại là nơi không chỉ có dân thành phố mà còn là nơi vẫn thường đón bà con, thân hữu từ muôn phương ghé lại mỗi khi có dịp về Huế để viếng thăm những người quá vãng với lòng thương kính, niềm tưởng nhớ thiêng liêng. Chưa kể, đường Tam Thai còn là tuyến đường mà không ít người thường chọn để tham gia lễ hội Huyền Trân,  chiêm bái, tưởng niệm khu chứng tích Chín Hầm, Thiền viện Hương Vân, tham quan, thỉnh chuông cầu nguyện Hòa bình ở núi Ngũ Phong vào mùa xuân hàng năm. Cho nên, ở góc độ nào đó, khu vực này vẫn là “mặt tiền” của đô thị xanh xứ Huế.

Ra quân dọn dẹp, rồi có cơ chế quản lý, tăng cường động viên tuyên truyền để bất kể ai khi đến đây cũng đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Bên cạnh đó, cho triển khai trồng đôi hàng cây thật đẹp dọc 2 bên đường Tam Thai. Làm được những điều đó thì con đường đi qua nghĩa trang nhân dân thành phố, dẫn lên đền Huyền Trân, khu chứng tích Chín Hầm…hẳn sẽ để lại ấn tượng không hề nhỏ cho tất thảy mọi người, đồng thời cũng là một cách hành xử văn hóa, phải đạo đối với vạn vạn linh hồn của những người đang an giấc ngàn thu nơi vùng đồi yên tĩnh này.

 

 

Hàn Yên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản

TIN MỚI

Return to top