ClockThứ Sáu, 03/11/2023 07:13

Khai thác cát “chui” ở thượng nguồn sông Bồ

TTH - Cát bồi ven sông Bồ qua địa bàn xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) bị khai thác “chui” nhiều điểm, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đất sản xuất của người dân. Trong khi chính quyền địa phương bảo rằng khó xử lý vì các đối tượng khai thác nhỏ lẻ, vào ban đêm.

Ngang nhiên khai thác tài nguyên trái phép giữa ban ngày Xử lý các điểm khai thác, tập kết khoáng sản trái phép ở Lăng CôXúc 0,1m3 cát, bị phạt 25 triệu đồng

Khai thác cát gần dưới chân cầu Ưng Hong thuộc địa bàn xã Hồng Hạ (A Lưới) 

Làm tăng nguy cơ sạt lở

Ghi nhận của PV cho thấy, theo tuyến đường vào khu tái định cư Cu Mực - Căn Hoa chạy ven sông Bồ, xuất hiện nhiều điểm khai thác cát “chui” với các dấu vết còn mới nguyên. Một số điểm qua các ngầm tràn, cầu nằm ven tuyến đường cát lộ thiên, sau khi cát được khai thác để lại nhiều hố hầm và các vị trí sạt lở.

Đơn cử, tại bãi bồi dưới chân cầu Ưng Hong (thuộc thôn A Ron, xã Hồng Hạ) trên suốt chiều dài bờ sông từ chân cầu hướng lên thượng nguồn nơi có thủy điện sông Bồ, khu vực ven bờ đã bị nạo vét, cát xúc đi để lại nhiều hố hầm, cây cối trơ cả gốc.

Đặc biệt, đây là khu vực cát bồi nằm lộ thiên, các phương tiện đã mở đường trong phía cánh rừng tràm nên dễ dàng vào xúc cát mang đi. Tại hiện trường nhiều dấu vết bánh xe mới, nhiều điểm cát bị cào đi để lại các hố sâu. Cạnh đó, điểm sạt lở đã ăn sâu vào diện tích trồng keo tràm của người dân trên chiều dài hàng chục mét.

Ông Pơ Long A Luân, một hộ dân trồng rừng khu vực này cho biết, điểm khai thác cát này có từ mấy tháng rồi, sau khi lũ thì cát bồi lại nên xe tới xúc liên tục. Có lúc xúc từ chiều tối đến đêm, tập trung từ 3-4 xe. Cát xúc sát bờ sông, ngay chỗ hơn 1ha keo tràm của gia đình nên rất lo lắng vì đã xuất hiện một số điểm sạt lở.

“Tôi đã nhiều lần báo cho chính quyền xã mà trực tiếp là Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ nhưng không hiểu sao tình trạng khai thác cát vẫn còn. Cát múc đi phục vụ cho ai không biết chứ hiện nay gia đình rất lo lắng sạt lở làm mất đất canh tác”, ông Pơ Long A Luân cho biết thêm.

Tương tự, từ tuyến đường bê tông đang thi công rẽ vào khu vực hạ nguồn sông Bồ - nơi giáp ranh với suối Pâr Le thuộc địa bàn xã Hồng Hạ, tình trạng khai thác cát cũng diễn ra khá rầm rộ tại đây. Tại bãi bồi ven sông chằng chịt dấu lốp bánh xe tải còn mới. Đi sâu vào trong bãi còn phát hiện phương tiện xe tải đang đậu chờ giữa bãi cát.

Cạnh đó, nhiều khu vực cát đã bị lấy đi và xuất hiện điểm sạt lở ven sông. Một hộ dân ở đây cho hay, khu vực bãi bồi này thời gian cao điểm có 7-8 phương tiện vào chở cát, chủ yếu xúc bằng thủ công rồi chở đi. Các phương tiện hoạt động vào chiều tối tới ban đêm, tắt đèn xe tối om và mang cả đèn pin theo làm.

Cần tăng cường quản lý

Sau khi nhận được thông tin từ PV, Sở TN&MT đã chỉ đạo Phòng TN&MT huyện A Lưới kiểm tra. Ông Hồ Dũng, Trưởng phòng TN&MT huyện A Lưới thông tin, qua kiểm tra cho thấy có tình trạng khai thác cát ven sông Bồ ở xã Hồng Hạ, tuy nhiên lực lượng của phòng tài nguyên cùng xã chỉ kiểm tra ban ngày nên không ghi nhận được các đối tượng và phương tiện khai thác. Việc kiểm tra, xử lý hiện nay rất khó khăn do phòng TN&MT không đủ nhân lực và phương tiện.

“Đơn vị đã tham mưu UBND huyện A Lưới chỉ đạo Công an huyện vào cuộc xác minh và lên kế hoạch kiểm tra đột xuất trong thời gian tới”, ông Dũng nói thêm.

Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ nói rằng, xã đã nắm thông tin người dân khai thác cát ở các điểm ven sông Bồ và đã từng tiến hành lập biên bản các đối tượng tham gia khai thác. Thậm chí xã đã rào chắn khu vực tại dưới chân cầu Ưng Hong, nhưng các đối tượng khai thác cát đã phá dỡ hàng rào tiếp tục khai thác “chui”.

Ông Lương cũng cho rằng, các hộ lấy cát đa phần thuộc diện khó khăn, nằm trong chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng nhà ở của địa phương nên việc bà con tận dụng ít cát, sỏi trên địa bàn để xây dựng nhà là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, cát khai thác ở Hồng Hạ chủ yếu được vận chuyển lên A Lưới để tiêu thụ.

Theo UBND huyện A Lưới, hiện nay một số xã trên địa bàn còn buông lỏng, chưa quyết liệt trong công công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, còn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách. Một số xã xuất hiện các đối tượng sử dụng phương tiện xe ba bánh, xe tải thường xuyên kết hợp với người dân tổ chức xúc cát, sỏi trái phép, kể cả vào ban đêm tại các lòng sông, suối và bãi bồi, đặc biệt là các lòng sông, bãi bồi nằm trong diện tích đất thuộc lòng hồ các thủy điện.

Để sớm khắc phục những hạn chế, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, UBND huyện A Lưới yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép theo quy định. Công an huyện chỉ đạo lực lượng tổ chức theo dõi, kiểm tra hoạt động vận chuyển khoáng sản, xác minh nguồn gốc, xử lý các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành.

UBND các xã nghiêm túc triển khai, thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thuộc địa bàn quản lý.

Chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nêu rõ, nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, việc san gạt, cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm tại địa phương mình quản lý.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản
Mưa lớn thượng nguồn, cảnh báo nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng

Sáng 26/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết, qua theo dõi của cơ quan khí tượng thủy văn, hiện nay mưa rất lớn ở thượng nguồn các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh. Do đó, các hồ thủy lợi, thủy điện đang điều tiết nước với lưu lượng đến bằng lưu lượng đi, có thể gây nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng trên diện rộng.

Mưa lớn thượng nguồn, cảnh báo nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng
Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ
Return to top