ClockThứ Bảy, 28/11/2020 12:24

Khinh… lây?!!

TTH - Chủ nhật, tại Huế diễn ra một sự kiện về sản xuất kinh doanh do một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đăng cai tổ chức. Đồng chí Tổng biên tập phân công tôi thay mặt lãnh đạo cơ quan tham dự theo giấy mời.

Ngày nghỉ, lẽ ra phải dành cho gia đình và xả hơi tí chút, lấy lại năng lượng chuẩn bị cho một tuần làm việc mới. Nhưng phân công của thủ trưởng, vừa không để bị xem là khiếm nhã với đơn vị đã ngỏ lời mời; với lại, thấy nội dung sự kiện cũng là vấn đề đáng quan tâm nên tôi vui vẻ thắng bộ lên đường, tranh thủ đến sớm chút để khỏi ảnh hưởng công việc chung.

Bàn đón tiếp đặt ngay cửa ra vào, một người chỉ tôi đến đấy khai báo danh tính. Mấy em nhân viên ngồi tiếp đón khi nghe tôi bảo đại diện ban biên tập đã nhìn nhau ngần ngừ, rồi chẳng cần dò danh sách hay ghi chép gì cả, họ “hội ý” chớp nhoáng: “Báo à? Thôi, cho tập tài liệu …”.

Tôi ngao ngán, cảm giác như đi họp… “chui”. Vào hội trường, thấy ai được mời có bảng tên nấy. Cơ quan mình thì nỏ chộ chỗ mô. Dù đã hết sức tự nhủ bình tĩnh, nhưng thật lòng là không thể nén được cái cảm xúc vừa giận vừa…tủi.

Tủi là bởi thấy xót xa cho “thân phận” nhà báo. Từ chỗ là một nghề được xã hội yêu mến, quý trọng, bỗng dưng “ra thân thè” thế ấy là vì sao? Trăm sự là do một số lãnh đạo cơ quan báo chí thả lỏng quản lý, để cho người của mình lợi dụng cái mác nhà báo đi kiếm chác, làm càn làm bậy, khiến xã hội, nhất là doanh nghiệp người ta “chết khiếp”, rồi sinh ra ghét, thậm chí khinh miệt. Nhưng mà dẫu sao tình trạng này đã bị chính các nhà báo chân chính lên án, các cơ quan chức năng cũng đang có các động thái tích cực để cố gắng chấn chỉnh, loại trừ. Trong xã hội vẫn còn đó rất nhiều những cơ quan báo chí, rất nhiều những nhà báo tâm huyết với nghề, sẵn sàng dấn thân, thậm chí hy sinh cho những giá trị nhân văn, tiến bộ của xã hội. Đâu có lẽ vì một số cá nhân, một số trường hợp đơn lẻ mà lại được phép đánh đồng, “khinh… lây” như cái cách mà nhà tổ chức sự kiện nọ đã cư xử!

Còn giận? Không phải là bởi thấy mình bị thiếu tôn trọng, mà vì rằng thấy cái hiện trạng du lịch đang thời khốn đốn vì dịch bệnh, tổ chức được một sự kiện với đông đảo quan khách như thế là rất mừng. Lẽ ra đơn vị tổ chức cần phải chăm chút, chuyên nghiệp đến từng chi tiết mới đúng. Đằng này ngay từ khâu đón tiếp quan khách đã luộm thuộm vậy rồi, những khâu khác chẳng biết có thế nào không nữa?

Huế là thành phố du lịch, và MICE là một mảng mà du lịch Cố đô đang hướng đến nhằm tăng lượng khách đến với sông Hương núi Ngự. Doanh nghiệp đăng cai sự kiện mà tôi vừa đề cập là một doanh nghiệp khá tên tuổi, sản phẩm của họ có liên quan khá mật thiết với du lịch; du lịch tăng trưởng chắc chắn cũng kéo theo sự tiêu thụ sản phẩm nhiều lên, tác động tích cực đến tăng trưởng của bản thân doanh nghiệp. Vậy nhưng có vẻ như họ chỉ chăm chăm riêng nội dung sự kiện, còn du lịch, “mai mốt” gì gì đấy thì không cần phải để tâm cho nhọc(?!!). Hỏi có nên giận, nên buồn?

DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Chiều 16.12, tại TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Return to top