|
Phát triển nền kinh tế xanh cần đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
Cụ thể, kết quả của một khảo sát gần đây chỉ ra rằng khi được hỏi, 8/10 doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết họ đã mất cơ hội kinh doanh do các chính sách phát thải nghiệm ngặt của khách hàng và nhà cung cấp.
Trong trường hợp cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ không được tham gia vào các cuộc thảo luận về khí hậu, động lực kinh tế của Đông Nam Á có thể bị chững lại.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như những doanh nghiệp hạn chế về nguồn lực, năng lực và chuyên môn, hành trình hướng tới tính bền vững có thể nói là rất phức tạp.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp SME đang phải đối mặt với thách thức và nhu cầu về phát triển bền vững mới, đào tạo và tài chính sẽ là những ưu tiên hàng đầu.
Được biết, một số sáng kiến về đào tạo đã được triển khai, đơn cử như Chương trình Phát triển Bền vững Doanh nghiệp của Enterprise Singapore (EnterpriseSG). Trong đó chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp Singapore, đặc biệt là các doanh nghiệp SME trong hành trình phát triển bền vững với nhiều khóa học để kích thích kế hoạch phát triển và tăng trưởng trong tương lai…
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tận dụng nguồn tài nguyên phong phú này để tìm hiểu sâu về những thay đổi trong nhu cầu kinh doanh và quy định liên quan đến nền kinh tế xanh, từ đó điều hướng hành động để bảo vệ vị thế của mình trên thị trường.
Một vấn đề khác cũng cần lưu tâm là mặc dù hiện nay có nhiều lựa chọn đào tạo, song khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp SME muốn đầu tư vào các sáng kiến phát triển bền vững vẫn còn hạn chế đáng kể.
Nhiều doanh nghiệp SME vẫn gặp khó khăn về đảm bảo nguồn vốn cần thiết để triển khai các giải pháp xanh. Do đó, các tổ chức tài chính cần tăng cường tài trợ cung ứng thương mại và nhiều hình thức tài trợ khác cho các doanh nghiệp SME muốn thực hiện các hành động bền vững.
Cùng lúc, chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chính sách, chương trình tài trợ và sáng kiến xây dựng năng lực nên được thiết kế phù hợp cho cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp SME.
Các chuyên gia nhận xét, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới và ổn định kinh tế của Đông Nam Á. Thành công của họ là một phần không thể thiếu trong tăng trưởng bền vững của khu vực.
Các cơ quan quản lý và tài chính nên đảm bảo rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ này được lên tiếng về các vấn đề quan trọng như phi Carbon hóa. Cùng lúc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động hơn trong việc giao tiếp và tham gia vào đối thoại về tính bền vững.
Bằng cách cân bằng sân chơi và đảm bảo cả các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp vừa và nhỏ đều được hưởng lợi từ phát triển bền vững, khu vực Đông Nam Á hoàn toàn có thể tạo ra một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ ngay hôm nay và kéo dài trong tương lai.