ClockThứ Hai, 16/01/2023 06:37

Kiểm soát tình trạng lợi dụng du lịch để di cư trái phép

TTH - Thời gian qua xuất hiện tình trạng lợi dụng đi du lịch quốc tế để bỏ trốn. Các cơ quan chức năng khẳng định sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý.

Bắt khẩn cấp đối tượng cướp giật tài sản khách du lịchQuản lý lưu trú, ngăn chặn nhập cảnh trái phépQuy định mới sẽ kiểm soát hướng dẫn viên hoạt động trái phép

Cơ quan công an và du lịch phối hợp kiểm tra các điểm du lịch

Dấu hiệu phức tạp

Sau một thời tạm lắng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian qua lại xuất hiện tình trạng lợi dụng việc đi du lịch nước ngoài rồi tách đoàn bỏ trốn. Nhiều người trốn ở lại để làm việc “chui”, một số khác móc nối với đường dây khác để tiếp tục di cư sang một số quốc gia khác. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Âu và Bắc Mỹ là điểm đến của hình thức trá hình này. Sự việc mới đây nhất là 100 du khách từ TP. Hồ Chí Minh đã trốn lại Hàn Quốc khi đi du lịch.

Tại Thừa Thiên Huế, theo ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chính sách về xuất, nhập cảnh của các quốc gia được nới lỏng, người dân xuất cảnh ra nước ngoài thăm thân, du lịch, lao động, học tập bình thường trở lại. Lợi dụng vấn đề này, các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước tìm cách móc nối với người dân tại các địa phương tổ chức đi du lịch, sau đó tìm cách trốn ở lại nước ngoài. Gần đây, tại một số xã ven biển của Thừa Thiên Huế, hiện tượng người dân đi du lịch trốn ở lại nước ngoài có dấu hiệu tăng trở lại.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, việc tổ chức đi du lịch sau đó tìm cách trốn ở lại nước ngoài rất tinh vi, khó kiểm soát. Có trường hợp, du khách không biết bằng cách nào đã lấy được danh nghĩa là doanh nghiệp để dễ dàng vượt qua khâu thẩm định hồ sơ. Không ít trường hợp hồ sơ rất tốt, thể hiện được có tài sản riêng và tiền gửi ngân hàng, đã từng du lịch qua nhiều nước...

Không chỉ công dân Việt Nam di cư trái phép ra nước ngoài bằng hình thức du lịch, thời gian qua cũng xuất hiện tình trạng lợi dụng vận chuyển du lịch để giúp sức, tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, rồi từ đây đi vào các tỉnh phía nam hoặc đến nước thứ ba. Theo thống kê, Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ, tiến hành khởi tố 2 vụ án, 4 bị can có hoạt động tổ chức cho 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để điều tra, xử lý.

Chưa bàn đến những hệ lụy về an ninh chính trị mang tính quốc gia, riêng với lĩnh vực du lịch, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Cùng với đó, các doanh nghiệp lữ hành cố tình, hay vô tình tổ chức các tour du lịch mà có khách bỏ trốn đều gây ra các hệ lụy, như: nộp phạt, bị treo quyền xin thị thực cho khách, bị cấm tổ chức tour xuất ngoại... ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

Tuyên truyền về cẩn trọng khi di cư trái phép

Tăng cường kiểm soát

Theo một doanh nghiệp lữ hành, dù theo quy định của pháp luật là đối với hành vi để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài, hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật, sẽ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch từ 80 - 90 triệu đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt này chẳng đáng là bao đối với doanh nghiệp nếu thực hiện trót lọt một hành vi vi phạm thành công. Phí tour đi du lịch không nhiều, nhưng phí mà những vị khách chi trả cho đường dây tổ chức không hề nhỏ, tùy vào thị trường. Như để đưa một người từ Việt Nam sang đến Mỹ, hoặc châu Âu sẽ không dưới 1 tỷ đồng cho một người.

Theo Sở Du lịch, để hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng di cư, hoặc đi lao động nước ngoài “chui” bằng con đường du lịch, giải pháp đầu tiên phải hướng đến chính là cần có hình thức truyền thông, cảnh báo về những nguy cơ, hệ lụy lớn mà họ có thể gặp phải khi di cư trái phép, lao động bất hợp pháp. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền ở những địa phương vùng ven biển trong tỉnh, có đông người di cư để cảnh báo, kịp cảnh tỉnh. Mạnh hơn, có thể có những biện pháp răn đe những đối tượng có ý định vi phạm.

Ông Mark Holton, Trưởng bộ phận nhập cư và di cư, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đánh giá, tình trạng di cư trái phép ở trên thế giới hiện nay rất phức tạp. Mỗi một cá nhân cần xác định rằng, nơi mà họ muốn đến, chưa chắc đó là vùng “đất hứa”. Thậm chí còn có nguy cơ đánh đổi cả tính mạng. Chẳng hạn vụ việc nhóm người trốn trong thùng container đông lạnh để di chuyển dẫn đến tử vong toàn bộ.

“Chính vì vậy mà chúng tôi vừa phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức hội thi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép cho các bạn trẻ trong tỉnh. Mục tiêu hướng đến có thể giúp các bạn trẻ tỉnh táo và sáng suốt hơn trong việc chọn lựa các công việc được mời gọi từ các tổ chức, đơn vị tại nước ngoài”, ông Mark Holton nói.

Lãnh đạo Công an tỉnh khẳng định, trước thực trạng này, trong thời gian đến cơ quan công an sẽ tăng cường thanh, kiểm tra toàn diện về tình trạng lợi dụng đi du lịch để bỏ trốn. Tăng cường lực lượng, cắt cử cán bộ theo dõi ở các địa bàn có tỷ lệ vi phạm cao, kịp thời nắm bắt tình hình, diễn biến mới để chủ động xử lý.

Về phía Sở Du lịch cũng nhấn mạnh, ngành sẽ kiểm soát chặt các doanh nghiệp, có biện pháp xem xét, quản lý năng lực của các doanh nghiệp lữ hành. Có chế tài riêng đối với các công ty cố tình vi phạm. Bởi trên thực tế, các cá nhân, đơn vị môi giới phải “bắt tay” doanh nghiệp du lịch tổ chức tour, tuyến trái phép, mới có thể thực hiện các hành vi vi phạm.

Bài, ảnh: QUANG SANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

TIN MỚI

Return to top