Nhiều sai sót
Sau nhiều tháng thanh, kiểm tra, UBND huyện Phú Lộc vừa ban hành kết luận thanh tra về những vấn đề liên quan đến vụ việc “biến” 164,2 rừng thông được trồng theo dự án PAM sang trồng keo tràm tại Lộc Bổn.
164,2 ha rừng thông chỉ còn lại các gốc đã bị mục nát
Kết luận cho thấy, việc chuyển đổi là hợp lý và cần thiết đối với thực tế. Cụ thể, việc trồng thông giá trị kinh tế mang lại không cao trong khi chuyển đổi sang trồng tràm, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Mặt khác, đây là rừng sản xuất nên được cho phép chuyển đổi loại cây trồng để có giá trị kinh tế cao hơn, chứ không phải như rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng.
Ông Huỳnh Văn Liên, Chánh Thanh tra huyện Phú Lộc cho hay, thay thế cây trồng là điều cần thiết để phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình giao khoán và chuyển đổi rừng, HTX An Nong 1 (đơn vị được giao quản lý và khai thác) đã mắc nhiều sai sót. Cụ thể, HTX đã không thành lập ban quản lý, ban giám sát hoạt động tỉa thưa rừng; không có sổ sách ghi chép, theo dõi, công tác nghiệm thu không đúng quy trình. HTX An Nong 1 đã ký kết hợp đồng kinh tế mua bán rừng giữa HTX với một doanh nghiệp trước ngày UBND huyện ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tỉa thưa rừng.
Đối với UBND xã Lộc Bổn và Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc có thực hiện việc kiểm tra, giám sát, tuy nhiên, không thực hiện thường xuyên và không có văn bản để đôn đốc, hướng dẫn, do vậy, không kịp thời chấn chỉnh các sai sót trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng.
Về công tác giao khoán rừng cũng xảy ra nhiều sai sót. Cụ thể, có nhiều hộ nhận giao khoán đất vượt hạn mức theo phương án đã được phê duyệt (lớn hơn 3 ha/hộ). Nhiều hộ gia đình chưa ký hợp đồng giao khoán nên HTX chưa có biện pháp để thực hiện ký hợp đồng theo quy định. Nhiều hộ gia đình thực hiện việc ký hợp đồng vào năm 2017, trong khi đó, các hộ đã được bàn giao rừng và đất rừng từ năm 2006 đến năm 2008. Tất cả các hợp đồng đều không có bản đồ lô đất kèm theo và không được UBND xã Lộc Bổn ký xác nhận. Việc xác định đơn giá đất để được nhận giao khoán không theo nội dung phương án đã được phê duyệt, chỉ dựa trên kết quả khảo sát tổng thể, xác định mức độ đất tốt, xấu từng vùng để đưa ra định mức khoán.
Những sai sót, vi phạm nêu trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác giao khoán, chuyển đổi rừng không đạt hiệu quả, không theo quy trình dẫn đến diện tích rừng thông do HTX An Nong 1 quản lý bị thất thoát.
Kiểm điểm trách nhiệm
Theo Thanh tra huyện Phú Lộc, vụ việc trên không chỉ có HTX An Nong 1 mắc sai sót, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, giao khoán, tổ chức sản xuất kinh doanh rừng, UBND xã Lộc Bổn đã thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn HTX An Nong 1 thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; không kịp thời chấn chỉnh các sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng của HTX An Nong 1, để diện tích rừng bị thất thoát.
Toàn bộ diện tích rừng thông nay đã không còn, thay thế vào đó là rừng keo tràm
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng của HTX An Nong I, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc cũng đã thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm các sai sót của HTX để kịp thời chấn chỉnh.
Với những sai sót trên, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh yêu cầu, UBND xã Lộc Bổn chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp của HTX An Nong 1, thực hiện đúng phương án phê duyệt. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, vì đã để xảy ra các sai sót trên.
Đối với HTX An Nong 1, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc yêu cầu rà soát lại các hộ nhận khoán và điều chỉnh phù hợp với quyết định phê duyệt của UBND huyện. Có phương án xử lý nợ đối với các hộ đã có hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng và đã làm thất thoát tài sản rừng phải bồi thường lại thiệt hại. Công tác quản lý bảo vệ rừng làm thất thoát hơn 387 triệu đồng, trách nhiệm thuộc về Hội đồng Quản lý và Ban Kiểm soát HTX phải bồi thường theo quy định. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm và có tờ trình gửi UBND huyện.
Qua sự việc trên, dù việc chuyển đổi cây trồng là chính đáng và phù hợp với thực tế, nhưng việc thực hiện lại không đúng quy trình, còn chủ quan nên xảy ra sai sót, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Bài, ảnh: Quang Đức