Lỗi của người đi bộ
Đơn cử, vào khoảng 10 giờ, ngày 18/1/2016, trước số nhà 90 Lý Thái Tổ (phường An Hòa, TP Huế) em Nguyễn Lê Th. M. (13 tuổi, trú xã Hương Toàn, TX Hương Trà, học sinh) điều khiển xe máy điện chạy theo hướng cầu An Hòa - cầu Triều Tây đã đâm vào bà Trường Thị T. (76 tuổi, trú tổ 1, khu vực 1, Hương Long, TP Huế) đi bộ cùng chiều phía trước gây tai nạn. Hậu quả, bà T. bị chấn thương sọ não và đã tử vong sau khi được cấp cứu tại bệnh viện. Kết luận của cơ quan công an, nguyên nhân vụ tai nạn trên là do bà T. đi bộ không đúng phần đường quy định.
Vỉa hè tuyến đường Ngô Quyền bị chiếm dụng, người đi bộ phải đi dưới lòng đường
Theo số liệu thống kê của Công an TP Huế, từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 2/2016, trên địa bàn TP Huế xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, làm chết 6 người, bị thương 39 người. Nhìn vào số liệu này cho thấy, người đi bộ không đúng luật đã gây ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để người dân đi đúng luật cũng thật khó, bởi ngoài ý thức chấp hành luật giao thông của người đi bộ kém, còn do lề đường, lòng đường bị chiếm dụng…
Điều dễ nhận thấy là tại bất cứ đoạn đường nào, bất cứ thời điểm nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp người đi bộ băng qua đường sai luật như vượt đèn đỏ, vượt dải phân cách, sang đường không đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ… Tại tuyến đường Ngô Quyền dài hơn 1km, mặc dầu hai bên đường có vỉa hè nhưng hầu như đã bị chiếm dụng. Người đi bộ chỉ còn cách đi chung với làn đường của ô tô, xe máy rất nguy hiểm. Mặt khác, trên địa bàn TP Huế có nhiều tuyến đường mặc dầu là tuyến đường trọng yếu nhưng do thiếu kinh phí chưa xây dựng vỉa hè nên người người đi bộ vẫn đi chung với các loại phương tiện khác như: Bà Triệu, Trần Phú… Đó là chưa kể tại các tuyến đường có nhiều cửa hàng buôn bán, đa phần vỉa hè bị lấn chiếm khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Tạo thói quen
Trung tá Đặng Phúc Xuân, Đội phó Đội CSGT Công an TP Huế khẳng định, những vụ TNGT do người đi bộ đi không đúng phần đường, sai vị trí, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao bởi họ muốn rút ngắn thời gian nên bất chấp nguy hiểm. Muốn không xảy ra các vụ TNGT, trước tiên phải bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông và chính quyền địa phương phải mạnh tay với việc lấn chiếm lòng lề đường để người đi bộ có không gian đi đúng luật. Liên quan đến việc xử phạt người đi bộ vi phạm, trung tá Đặng Phúc Xuân chia sẻ, thực tế từ trước đến nay công an TP Huế chưa xử lý trường hợp nào người đi bộ nào vi phạm, trừ những trường hợp trực tiếp gây tai nạn cho các phương tiện khác.
Điều 9 của Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã quy định về các mức xử phạt người đi bộ vi phạm. Tuy nhiên, từ trước đến nay, công tác xử lý đối với những vi phạm của người đi bộ dường như đã bị lực lượng CSGT cũng như các lực lượng chức năng khác “bỏ quên”. Ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh quan ngại, một khó khăn lớn nhất hiện nay là trên nhiều tuyến phố đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng hè phố làm nơi kinh doanh, buôn bán, giữ xe khiến người đi bộ không còn lối đi. Một số tuyến, nút giao thông hệ thống đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn sang đường dành cho người đi bộ còn thiếu, bị mờ. Nếu để người dân chấp hành nghiêm Luật giao thông thì phải có cơ sở để họ thực hiện. Không thể có chuyện đường phố có vỉa hè mà người đi bộ lại không có lối đi. Các cơ quan chức năng cũng như chính quyền sở tại phải nhanh chóng dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm vỉa hè đang bủa vây trên rất nhiều tuyến phố, trả lại lối đi bộ cho người dân… trước khi đi đến quyết định xử phạt.
Nhằm tạo thói quen ý thức chấp hành giao thông cho người đi bộ, Công an TP Huế đang chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông trên đường. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, tổ chức xã hội… nhằm nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông. Trước mắt, để bảo vệ an toàn và tạo nét đẹp trong văn hóa giao thông, người đi bộ và các phương tiện khác không nên chỉ phán xét sai phạm của đối phương, mà cần tự điều chỉnh cách tham gia giao thông của mình, chấp hành đúng luật, chú ý quan sát, nhường đường để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Đi bộ cũng phải đúng luật:
Thượng tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Huế cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định với hành vi đi bộ qua đường như sau: Đối với người điều khiển phương tiện: Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn. Với người đi bộ: Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
THÁI SƠN (ghi)
|
Bài, ảnh: THÁI SƠN