Vợ tôi là giáo viên tiểu học, dạy ở một trường vùng ven thành phố. Chuẩn bị hội nghị cha mẹ học sinh học kỳ II, vợ tôi nhắc các cháu nhắn gửi gì cho phụ huynh hãy viết vào giấy, sẽ chuyển giúp. Hôm sau, vợ tôi kể, liếc qua “tâm thư” của các cháu, không kìm được nước mắt trước dòng chữ của một cháu có cha mẹ không rõ ly dị hay ly thân, đang ở với ba... "con muốn được ở gần mẹ và em, muốn có ba có mẹ như các bạn khác".
Đầu tuần, cháu xin nghỉ học; ngày nữa, mẹ cháu từ Phong Điền vào xin chuyển trường cho cháu. Thành thật là kết thúc có hậu nếu ba mẹ cháu đoàn tụ. Lời con trẻ chạm vào tâm can người làm cha, làm mẹ, tác dụng nam châm bất ngờ, khiến tôi liên tưởng hình ảnh hết giờ buổi chiều, tôi chở con chạy vòng vòng trong làng, đứa trước đứa sau trước cặp mắt trìu mến đến ngỡ ngàng của chị hàng xóm vì vợ chồng chị ly thân từ khi mấy đứa con còn quá nhỏ, có bao giờ được vậy! Mới hay những điều bình thường của người này là ước vọng của người khác; thế mà nhiều lần tôi bực mình khi chiều nào cũng phải dạo mát với con!
Có người cháu gọi vợ tôi là cô ruột, ly dị chồng và nhận nuôi con - là cháu Kh. – nay học lớp 7 trường P. Lúc bé, Kh. bầu bĩnh, dễ thương nên ai cũng mến, cũng muốn ôm ấp. Cũng vợ tôi kể, cháu Kh. nói chuyện thấy tội lắm. Tôi không gặp hỏi song có thể đoán được bởi bên vợ tôi đông anh em, mỗi lần gặp nhau, vợ chồng con cái quấn quýt, riêng Kh. chỉ có mẹ.
Năm trước, mẹ Kh. đi bước nữa với người đàn ông hơn 20 tuổi, đã qua một đời vợ. Cu Kh. không còn cách nào khác phải theo mẹ. Ông chồng có vẻ bực bội nhưng biết làm sao. Kh. cũng cảm nhận được điều đó nên rất buồn.
Rõ ràng, con trẻ luôn mong mỏi có được gia đình toàn vẹn. Song, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có được điều đó. Thế nên, trước khi quyết định điều gì, nhất là liên quan đến hạnh phúc con trẻ, người lớn nên đứng từ phía con mà suy nghĩ, lắng nghe chúng nói. Được thế, xã hội này sẽ có thêm nhiều tổ ấm. Trẻ con cũng sẽ bớt chơi vơi khi phải lựa chọn sống cùng những người mà chúng yêu thương.
Hà Xuân