ClockChủ Nhật, 13/10/2024 11:21

Gom đủ yêu thương

TTH - Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Trạm SươngMẹ Xuyến

Có lần, Nhân - chồng nàng bảo: “Cứ sớm nắng chiều mưa như em, hàng hoa bán chạy lắm đây!”. Nàng đã nghĩ, sao anh không hỏi nàng buồn vì chuyện gì? Mà thôi, Nhân cũng đã nói với nàng trong một cơn mưa chiều nặng hạt: “Theo một nghiên cứu, 2 năm đầu hôn nhân là hết cho khoảng thời gian dỗ dành”. Niềm tin của Nhân luôn được xác tín thêm bằng những kết luận khoa học. Nhưng có lẽ lần này Nhân đúng. Nàng cũng mới nghe một câu thú vị trong podcast mới nhất của một nhà biên kịch nổi tiếng, anh ta nói rằng: “Tiếng yêu là lời nói dối vĩ đại nhất trong nhân gian”.

 

Hôm nàng đưa cậu con trai đến gặp bác sĩ dinh dưỡng. Không hiểu sao thằng bé kém ăn, mất ngủ, người nhìn xanh xao hẳn đi. Vị bác sĩ sau khi lấy chỉ số đo, hỏi thăm cậu bé ít câu, rồi quay sang nói với nàng: “Con chị chẳng bệnh gì đâu, chỉ cần thay đổi lối sống một chút. Chị nên đưa con ra ngoài nhiều hơn để cháu được tắm nắng, kết nối với thiên nhiên”. “Còn nữa, tránh xa game vì cảm xúc thắng thua đều không tốt cho tinh thần của cháu” – bác sĩ nói thêm.

Trong điện thoại, giọng Nhân như mất kiên nhẫn: “Cuối cùng thằng bé bị gì? Có phải em đem con đi gặp bác sĩ không đấy?”. Giọng đầy hoài nghi của Nhân, không dưng khiến nàng thấy khó chịu. Chỉ vì một lần, nàng nói với Nhân về nhân số học - những con số gắn liền với cuộc đời mỗi người. Nhân liền hỏi lại: “Khoa học đã chứng minh chưa? Sao em có thể tin vào ba cái thứ vớ vẩn đó?”. Khi ấy, dù tự ái đỏ mặt, nàng vẫn nghĩ thôi, sẽ không nói về đề tài này với Nhân nữa. Đó cũng là giây phút nàng nhận ra những đề tài nói chuyện giữa hai người đã thu hẹp dần. Vậy mà đến khi đụng chuyện, cái ý nghĩ hoài nghi về “niềm tin vớ vẩn” vẫn ngự trị trong Nhân. Nàng đáp gắt gỏng trong điện thoại: “Anh đã nghĩ như vậy, em cũng thôi không nói nữa”. Nhân cũng đùng đùng lên: “Đã nghĩ như vậy - ý em là sao, hả?”.

Bữa cơm chiều rời rạc trong tiết trời oi nồng mà chẳng thể kéo thành cơn mưa. Cu Tin mếu máo khi bị mẹ cấm dùng điện thoại trong lúc ăn, nó nhệu nhạo nhai mãi mà chẳng nuốt nổi miếng cơm. Nhân đẩy điện thoại về phía con. Nàng trừng mắt nhìn chồng. Nhân vẫn thản nhiên như không. Có phải anh đang chọc tức nàng, hay thực sự không biết sự thiếu tập trung trong ăn uống sẽ không tốt cho con?

Buổi tối. Căn nhà như thể bị úp trong cái lồng, chật đến ngột ngạt. Dự báo thời tiết nói nếu kéo dài nắng nóng, khí áp xuống thấp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến khó thở. Nàng đang bị ảnh hưởng trong bầu không khí chung ấy thôi, nhỉ?

***

“Anh chọn cho em một cây hoa, loại nào để bàn đẹp nhất ấy!”. Lần này, nàng không chọn bó hoa như mọi khi nữa, mà là chậu hoa. Nàng muốn bàn làm việc của mình luôn có sắc hoa tươi tắn, nếu chúng bền bỉ theo thời gian được nữa thì quá tốt. Hiếu đứng ngẫm nghĩ một lúc rồi ánh mắt anh sáng lên: “Hay em trồng cây xanh đi? Chơi cả đời luôn?”. Sao chưa bao giờ nàng nghĩ ra việc trồng một cây xanh để nó ở với mình trọn cuộc đời? Có hay không một điều gì đó gắn bó với mình đến trọn cuộc đời? “Chứ hoa thì chỉ xanh tươi lâu ở nơi nó thuộc về thôi, hẳn nhiên không phải trên bàn làm việc. Ý anh là phải có nắng, có gió” – Hiếu nói thêm.

Nàng theo chân Hiếu, rời khỏi những bó hoa đã được cắt lìa cành. Chúng như không biết đến ngày héo úa đang chực chờ, vẫn tươi tắn khoe sắc. Trên kệ sắt nhiều tầng được Hiếu đặt lên từng chậu cây bonsai đã hoàn chỉnh, thuần chậu, sống khỏe mạnh. Có những cây gốc to đến gần chật miệng chậu, nàng không thể hình dung chúng lấy dinh dưỡng từ đâu để cho ra những chiếc lá xanh nõn nà, mơn mởn căng tràn sức sống. Hiếu say sưa giải thích cặn kẽ với nàng, từng câu hỏi một. Với anh, được chia sẻ cũng là niềm vui. Hiếu tự hào giới thiệu với nàng những chậu cây đã “sống” với anh cả chục năm nay. Cây có giá trị cao, được nhiều người sành chơi hỏi mua nhưng Hiếu không bán. Hiếu nói, chăm lâu thấy “mến tay mến chân”, như thể một người thân của mình vậy. Tiền thì cũng cần, nhưng đồng tiền chẳng khiến Hiếu vui hơn việc giữ cây ở lại với mình. Có những lúc không vui, chỉ cần nhìn ngắm cây, tỉa tót cành lá là thấy tinh thần phấn chấn lại. Là thật! “Không tin, em cứ thử” – Hiếu nói với nàng bằng ánh mắt rưng rưng niềm cảm động lẫn biết ơn những chồi non.

Giữa đoạn chia sẻ của Hiếu, không dưng ý nghĩ đưa nàng đến với lời vị bác sĩ nói hôm trước khi nàng đưa con đến khám bệnh: “Cây lá có khả năng chữa lành bởi tính kết nối giữa con người với thiên nhiên, mà đời sống thành thị vô tình đã cắt đứt sự kết nối cần thiết ấy”.

Nàng luôn tin mọi thứ ở cuộc đời này đều có sự liên kết mật thiết với nhau. Tại sao nàng chọn vị bác sĩ dinh dưỡng ấy cho con? Tại sao nàng dừng chân ở cửa hàng cây xanh của Hiếu mà không phải ai khác? Tại sao nàng gặp Nhân…

Những ngón tay của nàng khẽ chạm vào thân cây mai chiếu thủy. Đây là loại cây cho hoa rất thơm mà nàng từng thích. Kể cả nếu chưa ra hoa, ngắm những chiếc lá xinh xinh sum suê của cây cũng đầy thi vị. Trưa dần đứng bóng. Hiếu chở chậu mai chiếu thủy về tận nhà nàng. Trời trưa mà gió thốc ngược thốc xuôi, cuốn bụi bay mù mịt. Hiếu nói, mảnh sân này hứng nắng sáng, trồng cây sẽ rất tươi tốt. Hai người nâng niu từng nhánh cây, vì sợ quá trình di chuyển ảnh hưởng đến rễ, đến quên mất cả Nhân đang ở nhà. Anh ngồi đó, nghe trọn vẹn cuộc trò chuyện có phần ríu rít như thể hai người đã quen thân nhau lắm.

Đợi Hiếu rời đi, Nhân hỏi nàng lạnh lùng: “Em thích thằng bán hoa à?”. Nàng sững sờ trong gian bếp, nhìn Nhân như sinh vật lạ. Nhân của nàng chưa bao giờ dùng những ngôn từ “thằng”, “con” với bất cứ ai trước mặt nàng. Vậy mà giờ…

***

Buổi sáng, nàng loay hoay tìm chỗ đặt chậu mai chiếu thủy, sao cho cây nằm ở nơi có nhiều nắng nhất. Nắng lên, gió đưa hương hoa thoang thoảng khắp không gian nhà. Nàng gọi cu Tin ra ngắm cây. Cũng may, mới lên 6 nhưng cậu bé rất thích cây. Lúc bàn tay con khẽ chạm vào chùm hoa đong đưa trong gió, nàng nảy ra ý nghĩ “cải tạo” lại mảng sân để trồng cây.

Giờ nàng mới nhận ra mảnh sân trước nhà mình có thể trồng được cả khu vườn nho nhỏ. Nàng nhớ, Nhân từng nói với nàng trước khi cưới, rằng sẽ mua căn nhà phù hợp để nàng có thể đặt ít chậu cây. Mỗi khi đi coi nhà, ưu tiên của Nhân là mảnh sân. Khổ nỗi, thành phố đất chật, người đông, tấc đất tấc vàng nên người ta tận dụng từng centimet đất. Với số tiền ít ỏi không quá nhiều lựa chọn, may sao Nhân gặp được căn ưng ý này, nằm sâu trong hẻm, nhờ vậy mới có được mảng sân nhiều nắng.

Nhưng từ ngày mua nhà, Nhân còng lưng gánh nợ. Công việc không mấy thuận lợi dẫn đến những áp lực ngày càng nhiều. Vợ chồng chẳng có giây phút thảnh thơi để mộng mơ với cây cỏ như thời yêu nhau. Những giao tiếp giữa họ ít đi, thay vào đó là những cuộc đối đáp căng thẳng từ những chuyện vụn vặt, đã đẩy cả hai ra xa nhau.

Ở một góc có mái che, nàng từng dùng làm “nhà kho” để chứa một số món đồ không nỡ bỏ đi. Trong số đó, nàng chạm tay vào tấm thiệp Nhân tặng. Dòng chữ nắn nót của Nhân vẫn còn rõ nét: “Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy!”. Nàng ứa nước mắt. Nhân của nàng ngày xưa đâu rồi? Sao sống bên cạnh anh mà nàng không còn nhận ra? Có khi, chính Nhân cũng chung thắc mắc đó về nàng. Nàng ngày càng cau có, dễ gắt gỏng, khó chịu, hơn thua trong những cuộc tranh cãi với Nhân. Nàng thấy lòng mình mềm ra. Có cơn gió mát lành giữa trưa mùa hạ.

Dọn xong mảnh sân, nàng thấy sự mới mẻ cả trong lòng mình, những thứ cần bỏ hẳn, nàng đã bỏ. Nàng chỉ giữ lại duy nhất tấm thiệp của Nhân, bởi nó khiến nàng xúc động khi chạm vào. Sau cuộc gọi của nàng ít phút, Hiếu xuất hiện trước cổng với lỉnh kỉnh các chậu cây mà nàng chọn mua. Nụ cười của Hiếu như tia nắng long lanh.

Cu Tin lon ton chạy ra làm cùng chú Hiếu. Cậu bé liếng thoắng khoe với chú Hiếu mỗi sáng mình đều ra tưới cây. Nàng làm sẵn khay đất để cu cậu thỏa sức trồng các loại hạt trên ấy. Chỉ hơn 1 tuần chăm chỉ tưới, đã có vài chiếc mầm be bé nhú lên, Tin rất vui. Nàng cũng nhận ra, từ ngày mẹ giao cho công việc trồng cây, cậu bé đã rời chiếc điện thoại dần. Đến bữa, cậu bé ăn uống ngon miệng hơn hẳn.

***

Chiều muộn, Nhân trở về trong phờ phạc. Có lẽ công việc bên ngoài chẳng dễ dàng gì với anh. Khi ấy, nhìn mảnh sân đã được nàng dọn thông thoáng. Nhân ngỡ ngàng như thể bước vào một không gian khác.

Buổi tối. Nàng kê chiếc bàn nhỏ ra trước sân, vừa 3 người ngồi. Mâm cơm nóng được nàng mang ra, là những món dân dã mà anh với nàng đều rất thích: mít non luộc chấm nước tương, đậu hũ chiên sả ớt, canh cá nấu mẻ chua. Cả nhà ăn ngon miệng trong cơn gió mát lành thoảng hương hoa.

Tối đó, nàng ngước nhìn mảnh trăng non lơ lửng trên nền trời, ước chừng vài hôm nữa, chậu nguyệt quế sẽ bung nở, cùng với những chiếc chuông mai chiếu thủy sẽ ướp hương ngào ngạt cho căn nhà.

Nàng khẽ chạm tay vào tấm thiệp của Nhân đã được nàng gấp gọn ép vào ốp lưng điện thoại, nhất định nàng sẽ gom đủ yêu thương, để hạnh phúc được đong đầy!

La Thị Ánh Hường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top