Người nhà ốm, đưa đi Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra cái cho chắc, không dè bác sĩ yêu cầu nhập viện luôn. Nghe rất... phiền não nhưng phải chấp hành, bởi gì chứ với sức khỏe, không đùa được.
Vậy là bẵng gần chục năm, kể từ ngày mẹ tôi phải nhập viện điều trị, nay tôi mới lại “tái ngộ” Bệnh viện GTVT. Không như lo lắng ban đầu bởi nghe thông tin bệnh viện đã xin “xuống hạng”, Bệnh viện GTVT nay thay đổi rất đáng kể. Phòng ốc thoáng đạt, sạch sẽ. Thầy thuốc cho đến hộ lý nhẹ nhàng, ân cần. Qua một đêm lưu trú, người nhà tôi cảm thấy rất yên tâm. Duy có mấy điều mà cả bệnh nhân lẫn người nhà thấy còn bất ổn, rất cần lãnh đạo bệnh viện để mắt.
Trước hết là nạn trộm cắp vặt. Ngay đêm đầu tiên ở lại bệnh viện, người nhà một bệnh nhân cùng phòng với chúng tôi ở lại chăm bệnh. Nửa khuya mệt mỏi quá, chợp mắt một thoáng thì cái smartphone đã không cánh mà bay. Cửa phòng thì có nhưng không chốt được, kẻ gian đã thoắt cái lẹt vào ra tay như chớp. Sáng, y tá vào cho thuốc, phản ánh thì được xuýt xoa rằng cô vẫn thường nhắc mọi người cảnh giác. Không chỉ có bệnh nhân mà ngay cả y bác sĩ của bệnh viện cũng bị mất cắp. Bản thân cô cũng từng “cúng” một chiếc điện thoại ngày mới vào làm. Hình như đã từng được phản ánh nên ban giám đốc đã cho lắp camera an ninh, tuy nhiên, hình như hạn chế nguồn lực nên mới chỉ lắp được ở tầng trệt.
Tôi hỏi dò, được biết khuôn viên bệnh viện bây giờ đã được xây tường rào bảo vệ cả. Ban đêm, chỉ mở mỗi cánh cổng phụ ở trước phục vụ cho việc vào ra. Bệnh viện quy mô không lớn, nhân viên ít, bệnh nhân nội trú cũng không nhiều. Nếu tăng cường kiểm soát việc vào ra và lực lượng bảo vệ thỉnh thoảng đảo qua xem xét một vòng, tin rằng kẻ gian sẽ không dám manh động. Bằng không, trót lọt vụ này, chúng sẽ được đà làm tiếp vụ khác. Bệnh tật đã khổ, nằm viện còn lo, còn bị mất cắp, khổ càng bội phần.
Thứ hai là dịch vụ giữ xe.
Đến những nơi như bệnh viện mà không có dịch vụ giữ xe cũng... chết, nhưng làm dịch vụ giữ xe như ở Bệnh viện GTVT thì lại không yên tâm. Thông thường gửi xe vào, chủ phương tiện sẽ được ghi số, phát vé. Khi lấy xe ra, trả số, trả tiền. Người làm dịch vụ sẽ đối chiếu, khớp số thì cho lấy xe, và ngược lại. Nếu nhỡ làm mất số, những chỗ căng yêu cầu phải đứng đấy, chờ người ta lấy hết xe mới giải quyết. Thậm chí còn bị đền một khoản tiền cho chiếc thẻ ghi số bị mất. Còn ở đây thì “thoải mái”, cứ đưa xe vào, khỏi số khỏi má. Khi ra, tự động lấy xe, đến cổng, cứ ô tô 5 ngàn, xe máy 2 ngàn, vô tư mà ra. Thấy tôi có vẻ hơi băn khoăn, người đàn ông giữ xe thật thà: “Ở đây an toàn lắm, xưa nay chưa hề mất xe nào. Yên tâm đi...”. Không yên tâm thì cũng phải yên tâm thôi. Nhưng nói dại mồm dại miệng, nhỡ ai đó xui xẻo bị dắt mất xe, khổ chủ sẽ lấy cơ sở nào mà khiếu nại nếu người làm dịch vụ hỏi cắc cớ: “Anh/chị gửi xe hồi nào? Số đâu?”. Ngẫm lại thấy chủ xe bao giờ cũng nắm đằng lưỡi, người làm dịch vụ bao giờ cũng nắm đằng cán. Vậy là không sòng phẳng, chắc chắn là sớm muộn gì cũng có ngày sinh chuyện.
Bài, ảnh: Thượng Bích